Tại buổi lễ, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đã giao cho Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người là đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất với các cấp có thẩm quyền chọn một ngày là Ngày Hiến mô tạng Quốc gia; Xây dựng kế hoạch chi tiết, có chỉ tiêu cụ thể để tăng số lượng người đăng ký hiến mô, tạng; Đánh giá việc thí điểm đăng ký hiến mô tạng bằng hình thức trực tuyến để triển khai diện rộng.
Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể cần khẩn trương phối hợp với Viện Pháp y Quốc gia, dưới sự hướng dẫn của các Vụ, Cục của Bộ Y tế để chuyển trụ sở của Trung tâm (hiện đang nằm trong Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) về số 41 Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sau khi Viện Pháp Y Quốc gia chuyển sang trụ sở mới. Đồng thời xây dựng kế hoạch kinh phí sửa chữa, bổ sung nhân lực, trang thiết bị giai đoạn tới để đảm bảo kiện toàn hoạt động của Trung tâm.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Việt Nam trải qua nhiều năm thực hiện các kỹ thuật ghép thận, gan, tim, phổi, tụy, giác mạc và đến nay đã làm chủ được những kỹ thuật này, sánh ngang với các nước trong khu vực. Đến nay cả nước thực hiện được gần 9.000 ca ghép mô, tạng, đặc biệt trong hai năm gần đây, mỗi năm hép hơn 1.000 ca, đứng số 1 Đông Nam Á về số ca ghép tạng/năm. Thành công này thể hiện những tiến bộ vượt bậc về trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm vì người bệnh của các nhân viên y tế, thắp lên hy vọng hồi sinh cho những người bệnh suy tạng.
Tuy nhiên, hiện nay, hơn 90% nguồn tạng ghép là từ người cho sống, trong khi ở các nước phát triển đa phần nguồn tạng hiến là từ người cho chết não. Do đó, bên cạnh công tác điều phối, Trung tâm cần làm tốt hơn công tác truyền thông về ý nghĩa của việc hiến mô tạng với thông điệp "Cho đi là còn mãi".
Phát biểu nhận nhiệm vụ mới là Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Gia Anh cho biết, sẽ dành tâm huyết, nghị lực và trí tuệ để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó sẽ đóng góp để hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý chuyên môn; Cùng các chuyên gia tiếp tục xây dựng quy trình lấy tạng từ người “chết tim”; Cập nhật thông tin kịp thời khi có người hiến mô tạng với danh sách của người nhận, không để xảy ra tình trạng bỏ phí mô tạng.
Theo VOV
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/sap-co-ngay-hien-mo-tang-quoc-gia-a35461.html