Khi người mạnh mẽ cũng rơi nước mắt
47 bé học sinh tại điểm trường Thèn Phùng đang ở độ tuổi từ 3 – 5, đa phần các em đều là người dân tộc thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo. Cô giáo đứng lớp là cô Chu Thị Quỳnh, 32 tuổi, sinh sống tại huyện Yên Minh. 7 năm liền cô xung phong lên các trường vùng cao dạy học nhưng có lẽ Thèn Phùng là điểm khó khăn nhất mà cô từng dạy.
“Lúc mình mới tới đây, điểm trường còn chưa có sân bê tông. Tất cả vẫn đang là sân đất. Thế rồi với sự nỗ lực của các cô và phụ huynh, mới đầu năm nay thôi trường đã có sân bê tông rồi. Mình cũng tự đi xin bạt, cũng bỏ tiền túi ra để mua các đồ trang trí cho lớp học, để các con muốn tới lớp mỗi ngày. Mình rất thương các con” – cô nói mà không kìm nổi nước mắt rơi.
Những chiếc lá được gắn cầu kì hay những bông hoa màu sắc được gấp gọn gàng đính lên trên tường chính là tình yêu thương mà cô Quỳnh dành cho đám trò nhỏ. Ai mà nghĩ một người phụ nữ mạnh mẽ, với 5 năm liền vượt khó, vượt khổ, vượt qua những cung đường sạt lở của Yên Minh, qua những cơn giông lốc thổi bay mái nhà để đi dạy học, lại có thể dễ dàng bật khóc như vậy.
“Các con thiệt thòi lắm, dù thuộc diện được hỗ trợ bữa ăn trưa tuy nhiên do cơ sở vật chất chưa cho phép nên các cô chưa thể chuẩn bị được bữa ăn cho các con. Đồ ăn trưa bố mẹ chuẩn bị cho cũng chỉ có cơm không mà các con ăn ngon lành” – mắt cô Quỳnh lại đỏ ửng lên. Cô cho biết các cô giáo ở Thèn Phùng cũng nhiều ngày chỉ ăn cơm không mà nhường phần thức ăn của mình cho các học trò nhỏ. “Nhưng học sinh đông quá nên cũng chỉ chia được cho mấy đứa nhỏ nhất, khó khăn nhất mà thôi” – cô nghẹn ngào.
Theo lời cô Quỳnh, lớp học nhỏ mà các em bé Thèn Phùng đang học cũng chỉ là mượn tạm của các anh chị tiểu học. Cách đó không xa là lớp học chính của các con, một căn nhà cấp 4 được xây dựng đã lâu, nay chỉ còn là một cái xác nhà xập xệ, lúp xúp, tường đã mủn, trần nhà đã rơi ra, căn phòng có thể sập xuống bất cứ lúc nào.
“Lớp học các con còn không có nên mình cũng chưa dám mơ đến một căn bếp để có thể cải thiện bữa cơm cho bọn trẻ. Giờ chỉ mong có phép màu nào đó để các con không phải đi học nhờ mà thôi …” – cô Quỳnh chia sẻ.
Những giọt nước mắt hạnh phúc
Thật may mắn, phép màu của sự thấu hiểu, yêu thương và chia sẻ từ cộng đồng cũng đã đến với cô và các bé trò nhỏ của điểm trường Thèn Phùng. Vượt hàng trăm cây số tới điểm trường nghèo, đại diện ngân hàng VPBank và các CBNV đang làm việc tại đây đã trao tận tay cô giáo 300 triệu đồng, một món quà có thể giúp điểm trường xây sửa lại lớp học mầm non cho tụi trẻ. Nhận tấm thiệp yêu thương từ VPBank, nước mắt cô giáo trẻ lại rơi, nhưng lần này là vì hạnh phúc.
“Chúng tôi thật sự rất vui khi được chung tay cùng cô Quỳnh và các thầy cô giáo tại điểm trường mang đến một môi trường học tập tốt hơn cho các học sinh nhỏ” - Anh Đỗ Thanh Tùng, đại diện Đoàn Thanh niên VPBank chia sẻ. “Chúng tôi cũng mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa sự yêu thương và chia sẻ từ cộng đồng để có thêm nhiều hơn các điểm trường khang trang, những bữa cơm có thịt thơm ngon, đủ chất dinh dưỡng cho các em nhỏ.”
Điểm trường Thèn Phùng là một trong 51 điểm trường nghèo khó khăn đã được ngân hàng VPBank tài trợ xây mới, sang sửa, hỗ trợ học liệu, hỗ trợ bữa ăn… thông qua chương trình “Cặp lá yêu thương – Em vui tới trường” do VTV và VPBank phối hợp thực hiện. Chương trình đã nối dài những đóng góp của ngân hàng hướng tới cộng đồng và xã hội, nhằm hiện thực hóa sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng” trong những năm qua với con số lên tới hơn 1700 tỷ đồng.
PV
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/giot-nuoc-mat-cua-co-giao-then-phung-a35366.html