Bỏ ăn bữa sáng, cơ thể bạn có thể phải chịu những hệ lụy khôn lường

Các nghiên cứu cho thấy rằng một bữa sáng lành mạnh đem lại rất nhiều lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe nhưng nhiều người lại đang bỏ qua bữa ăn quan trọng này.

Bữa sáng không chỉ cung cấp chất xúc tác khởi động quá trình trao đổi chất của cơ thể mà cung cấp năng lượng cho các hoạt động trong ngày và giúp tâm trí bạn khỏe mạnh. Dưới đây là một tác động không tốt mà bạn có thể phải đối mặt nếu bỏ ăn sáng.

Gây cảm giác mệt mỏi, khó ngủ

Bữa sáng cung cấp nhiên liệu mà cơ thể cần để khởi động quá trình trao đổi chất và có năng lượng cần thiết cho các hoạt động hàng ngày. Khi bỏ bữa sáng, lượng đường trong máu có thể giảm mạnh, khiến bạn mệt mỏi, uể oải và cáu kỉnh.

a8-1716184342.jpgBỏ ăn bữa sáng gây cảm giác mệt mỏi. Ảnh: Shutter Stock.

Theo một nghiên cứu năm 2021, bỏ bữa sáng có thể làm tăng tình trạng mệt mỏi và giảm chất lượng giấc ngủ. Một số người thường xuyên không ăn sáng còn phải đối mặt với các triệu chứng nghiêm trọng hơn như chóng mặt và đau đầu.

Khó tập trung

Bữa sáng cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể và giúp não bộ hoạt động hiệu quả hơn. Bỏ qua nền tảng dinh dưỡng này có thể khiến bạn khó tập trung và có trạng thái tinh thần mơ hồ trong cả ngày.

Trong một số trường hợp, bỏ ăn sáng còn có thể làm giảm hiệu suất nhận thức, khiến bạn gặp khó khi ghi nhớ và giải quyết vấn đề. Điều này cũng từng được chứng minh trong một nghiên cứu được các nhà khoa học thực hiện vào năm 2017.

Làm chậm quá trình đổi chất

Bỏ bữa sáng khi cơ thể bạn đã sẵn sàng hấp thụ thêm chất dinh dưỡng có thể gây phản tác dụng đối với quá trình trao đổi chất của bạn. Các nghiên cứu cho thấy cơ thể sẽ đối phó với việc bạn bỏ bữa sáng bằng cách làm chậm tốc độ trao đổi chất.

Quá trình trao đổi chất chậm lại cho phép cơ thể bảo tồn năng lượng và dự trữ mọi nguồn năng lượng trong các mô mỡ cho nhu cầu sau này. Đây chính là yếu tố có khả năng dẫn đến tăng cân.

Dấu hiệu đói trở nên rối loạn

Bỏ bữa sáng có thể khiến dấu hiệu đói của cơ thể trở nên rối loạn, gây ra cảm giác thèm ăn dữ dội vào cuối ngày khi cơ thể cố gắng bù đắp lượng calo bị thiếu.

Điều này dễ khiến việc duy trì việc duy trì chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh mà bạn đang theo đuổi trở nên khó khăn hơn. Một nghiên cứu cũng từng chỉ ra rằng những người bỏ bữa sáng thường tiêu thụ nhiều chất đường bột, tổng lượng đường và tổng chất béo nhiều hơn trong ngày.

a9-1716184367.jpgBạn có thể tăng cân nếu bỏ ăn bữa sáng. Ảnh: Shutter Stock.

Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Nếu cơ thể không nhận được chất dinh dưỡng từ một bữa sáng cân bằng và lành mạnh, lượng đường trong máu của bạn có thể giảm xuống gây ra cảm giác mệt mỏi. Theo một nghiên cứu năm 2019, những người thường xuyên bỏ ăn sáng có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu kém hơn.

Chuyên gia dinh dưỡng Caroline Young - Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng Whole Self Nutrition (Mỹ) giải thích rằng lượng đường trong máu thường giảm xuống tự nhiên sau một giấc ngủ dài. Nếu bạn không ăn bữa sáng, lượng đường trong máu sẽ tiếp tục giảm.

Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến sự mất ổn định lớn về mức đường huyết và điều này tất nhiên có thể dẫn đến tiền tiểu đường hoặc tiểu đường. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bỏ ăn bữa sáng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Gây hại cho sức khỏe tim mạch

Bỏ ăn bữa có thể nguy hiểm về lâu dài, thậm chí đến mức gây hại cho sức khỏe tim mạch của bạn và nhiều nghiên cứu đã chứng minh điều này. Một phân tích tổng hợp năm 2019 trên Tạp chí Tim mạch Mỹ cho thấy việc bỏ bữa sáng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Trong khi đó, một đánh giá năm 2020 trên tạp chí Obesity cho thấy những người bỏ bữa sáng có nhiều khả năng có mức cholesterol LDL – một trong những tác nhân gây ra cơn đau tim và nguy cơ đột quỵ cao hơn bình thường.

CTV Thu Phương/VOV.VN (Biên dịch)

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bo-an-bua-sang-co-the-ban-co-the-phai-chiu-nhung-he-luy-khon-luong-a35348.html