Hành động sớm là phương pháp tiếp cận mới trong quản lý rủi ro thiên tai

Ngày 18/5, tại Phú Thọ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về phòng, chống thiên tai năm 2024 với chủ đề “Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai”.

Chủ đề Tuần lễ Quốc gia năm 2024 là “Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai” nhằm góp phần nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho cộng đồng, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương nhất là trẻ em.

Suốt hơn 20 năm qua, trung bình mỗi năm thiên tai làm hơn 300 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP. Chỉ tính riêng năm 2023, trên các vùng miền cả nước đã xảy ra 21/22 loại hình thiên tai, trong đó có 1.964 trận thiên tai được thống kê, làm 169 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế hơn 9.300 tỷ đồng.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, hành động sớm là phương pháp tiếp cận mới trong quản lý rủi ro thiên tai được Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới triển khai nhằm tăng cường hơn nữa khả năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai và chú trọng tới những đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có trẻ em. Qua chuỗi sự kiện và thông điệp của Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai mong muốn các cấp, các ngành tích cực triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống thiên tai, phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

444762424-845194607642763-8875549891941653008-n-5498-1716055221.jpg
 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam đánh giá cao và mong muốn các quốc gia, các tổ chức, bạn bè quốc tế tiếp tục đồng hành, đồng lòng, đồng sức, hỗ trợ Chính phủ, Ban Chỉ đạo và người dân Việt Nam sớm tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến, hỗ trợ nguồn lực để kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai...

“Chúng tôi cam kết thực hiện đầy đủ các điều ước đã ký kết về hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các tổ chức quốc tế khi thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, cứu trợ, giúp đỡ Việt Nam trong công tác phòng, chống thiên tai. Đồng thời đảm bảo mọi sự hỗ trợ sẽ đều công khai, minh bạch, đúng địa điểm và đối tượng” - ông Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ.

Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, bà Rana Flowers nêu rõ, biến đổi khí hậu đang xảy ra ngay lúc này, ảnh hưởng đến trẻ em, sinh kế của các gia đình, tương lai của cả cộng đồng. Khủng hoảng biến đổi khí hậu, nhất là thiên tai chính là mối đe dọa lớn nhất tới sự sống còn, sức khỏe và sự phát triển của con người, đặc biệt là trẻ em.

"Tại Việt Nam, tác động của khí hậu diễn ra với hình thức phổ biến là hạn hán, xâm nhập mặn ở miền Nam, các đợt nắng nóng nghiêm trọng, sạt lở đất ở miền Bắc, lũ lụt ở miền Trung đang ngày càng nghiêm trọng, càng cho thấy một mối đe dọa rõ ràng và hiện diện đối với sự sống còn, sức khỏe và sự phát triển của trẻ em. Do vậy, 'Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai' nhằm nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai là vô cùng cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các chính quyền địa phương và cơ quan chức năng" - bà Rana Flowers nói.

trao-giai-8488jpg-1716055226.webp
Các đại biểu trao giải cho các em học sinh đạt giải cuộc thi vẽ tranh "Góc nhìn trước thiên tai".

Cũng phát biểu tại buổi mít tinh, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang nhấn mạnh, tỉnh Phú Thọ nói riêng, Việt Nam nói chung cam kết triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp mang tính toàn diện, căn cơ về phòng, chống thiên tai như: Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; cải thiện năng lực dự báo, cảnh báo; phát huy hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền; huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai của cộng đồng… Đặc biệt, quan tâm đến các đối tượng dễ bị tổn thương, nhất là trẻ em...

Năm 2024, dự báo sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp, gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc, mưa đá hơn mức bình thường, đặc biệt bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều, tập trung vào nửa cuối năm. Tính đến ngày 7.5, trên cả nước đã xuất hiện 72 trận mưa đá, trong đó tỉnh Nghệ An là tỉnh có số lần xảy ra mưa đá nhiều nhất trên cả nước với 11/72 trận mưa đá; mưa đá, lốc sét và gió giật mạnh đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường.

Bên cạnh buổi lễ mít tinh, chuỗi hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai 2024 tại tỉnh Phú Thọ còn bao gồm các hoạt động như: Cuộc thi sáng tác tranh "Góc nhìn trước thiên tai"; cuộc thi rung chuông vàng "Cùng em phòng, chống thiên tai - Kiến tạo tương lai bền vững"; hoạt động ngoại khóa vẽ tranh tường "Sẵn sàng trước thiên tai và biến đổi khí hậu"...

 

 

 

TH

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hanh-dong-som-la-phuong-phap-tiep-can-moi-trong-quan-ly-rui-ro-thien-tai-a35336.html