Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng
Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn coi trọng đạo đức, hình thành nên các chuẩn mực giá trị đạo đức tốt đẹp trong quan hệ gia đình, cộng đồng và xã hội, phù hợp với yêu cầu tồn tại, phát triển của dân tộc. Đó là truyền thống yêu quê hương đất nước, gắn bó với thiên nhiên, với cộng đồng; đoàn kết, dũng cảm, kiên cường; thuỷ chung nhân ái, quý trọng nghĩa tình; yêu lao động, hiếu học, sáng tạo...
Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành, phát triển trên cơ sở kế thừa, chọn lọc những tư tưởng, giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, phù hợp với thực tiễn hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam. Cùng với đó là sự tiếp thu, tiếp biến và vận dụng sáng tạo tinh hoa văn hóa nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác- Lênin. Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành bởi tư duy, trí tuệ, phẩm chất đạo đức và năng lực hoạt động thực tiễn của Người.
Đó cũng là quá trình tiếp thu, làm giàu, rèn luyện từ học tập, nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn, khám phá các quy luật vận động, đời sống văn hóa, xã hội và cuộc đấu tranh của các dân tộc vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội để khái quát thành lý luận, đem lý luận chỉ đạo hoạt động thực tiễn, kiểm nghiệm trong thực tiễn nên mang giá trị khách quan, cách mạng và khoa học.
Quan điểm đạo đức Hồ Chí Minh bao quát những mối quan hệ cơ bản của con người trong xã hội, mà trước hết là với đất nước, với nhân dân - "Trung với nước, hiếu với dân". Đây chính là điều chủ chốt của đạo đức cách mạng. Trung với nước là trung thành vô hạn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đấu tranh giành độc lập dân tộc và làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh. Hiếu với dân tức là mọi cán bộ phải là "đầy tớ trung thành của dân", "bao nhiêu quyền hạn đều của dân", "bao nhiêu lợi ích đều vì dân"; gắn bó với dân, gần dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Phải nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, quan tâm cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, làm cho dân hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của người làm chủ đất nước.
Thứ hai, trong tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đối với con người, hay nói chính xác chính là ''yêu thương con người". Yêu thương con người là làm mọi việc vì con người; dám hy sinh, dám dấn thân để đấu tranh giải phóng con người. Yêu thương con người tin vào con người. Với mình thì nghiêm khắc; với người thì độ lượng, vị tha, kể cả với người lầm đường, lạc lối, mắc sai lầm, khuyết điểm. Yêu thương con người phải thực hiện tự phê bình, phê bình chân thành, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, giúp cho mỗi người ngày càng tiến bộ, tốt đẹp hơn.
Tiếp theo là đối với mình phải thực sự "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính cần có của con người, mang một lẽ tự nhiên, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương. Cần, kiệm, liêm, chính có quan hệ chặt chẽ với nhau và với chí công vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư. Ngược lại, đã chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với toàn nhân loại, người cách mạng phải có ''tinh thần quốc tế trong sáng''. Đoàn kết quốc tế trong sáng theo Hồ Chí Minh trước hết là đoàn kết với nhân dân lao động các nước vì mục tiêu chung: đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột; là đoàn kết với các dân tộc vì hoà bình, công lý và tiến bộ xã hội. Đoàn kết quốc tế gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước chân chính sẽ dẫn đến chủ nghĩa quốc tế trong sáng.
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự hội tụ đẹp nhất, tuyệt vời nhất và trọn vẹn nhất về phẩm chất đạo đức cách mạng. Đó là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, là cả đời phấn đấu hy sinh, tất cả vì dân, vì nước, vì hạnh phúc con người. Dù ở đâu, làm bất cứ việc gì dù nhỏ hay lớn đều thể hiện phẩm chất cao đẹp của người cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân.
Về các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hành triệt để tất cả những gì Người quan niệm, thậm chí Người còn làm nhiều hơn những gì Người nói. Người là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm trong ăn, mặc, ở, đi lại... Giữ mình liêm khiết, trong sạch, Hồ Chí Minh sống trung thực, chân thành với chính mình và với người khác. Người biết nâng con người lên, khuyến khích, động viên để con người thấy rõ giá trị đích thực của cuộc sống, có khát vọng sống.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một tấm gương đấu tranh không mệt mỏi chống lại cái ác, cái xấu trong xã hội, trong mỗi con người, những biểu hiện tiêu cực, nhất là căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu trong bộ máy tổ chức của Đảng, Nhà nước. Người đã trực tiếp chỉ đạo xét xử những vụ án lớn; phân tích thấu tình đạt lý những nguyên nhân dẫn đến lỗi lầm của cán bộ, đảng viên, trong đó có đảng viên có chức có quyền, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào cán cân công lý của luật pháp, vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và bản chất tốt đẹp của chế độ…
Đã có hàng nghìn trang sách, hàng nghìn câu chuyện cảm động về cuộc đời và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tên gọi Hồ Chí Minh đã trở thành một hình mẫu về đạo đức. Đạo đức ấy không chỉ tỏa sáng trong lòng nhân dân Việt Nam mà còn được thế giới ca ngợi bằng những lời đẹp đẽ và cao quý - Người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Đồng chí Phiđen Caxtơrô từng viết: cuộc đời của Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng chói những phẩm chất cách mạng và cao cả nhất... Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc lớp những người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt…
Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trong quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất của Tổ quốc trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay, đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng và động lực tinh thần, là nguồn sức mạnh to lớn để Đảng và nhân dân ta vượt qua mọi thử thách, giành nhiều thắng lợi và đạt được những thành tựu to lớn.
Cùng với thời gian, Đảng ta không chỉ khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam và tư tưởng của Người đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta mà còn nhấn mạnh tại Đại hội VI (tháng 12/1986) - Đại hội khởi xướng công cuộc đổi mới của Đảng: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Tại Đại hội VII (tháng 6/1991), Đảng nhấn mạnh việc phải “Nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh”; thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991) và khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của dân tộc và nhân loại, nắm vững quy luật khách quan và thực tiễn đất nước để đề ra cương lĩnh chính trị đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”.
Bước phát triển trong tư duy, nhận thức và hoạt động thực tiễn về nền tảng tư tưởng của Đảng này đã cho thấy cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận cơ bản cấu thành hệ tư tưởng, thế giới quan, phương pháp luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, sự khẳng định này cũng bảo đảm sự thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, thể hiện rõ ý chí kiên quyết đấu tranh đối với những những luận điệu sai trái, thù địch, đi ngược lại tư tưởng cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được nhiều kết quả rất quan trọng với nhiều cách làm mới, sáng tạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ, có sức lan tỏa trong Đảng và toàn xã hội. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã từng bước đi vào nề nếp, đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Qua đó góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, theo Kết luận của Bộ Chính trị, trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị 05, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có nơi, có lúc còn chưa quyết liệt, thiếu sáng tạo; việc tu dưỡng, rèn luyện, làm theo Bác, nhất là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt người đứng đầu chưa thường xuyên. Một số cán bộ đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc còn bị động. Tình trạng thiếu tự giác nhận khuyết điểm, có lúc còn đổ lỗi, nể nang, né tránh, ngại va chạm, nể nang còn diễn ra ở nhiều nơi…
Công cuộc đổi mới đất nước hiện nay đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao trong việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc, giải phóng mọi tiềm năng cho sự phát triển. Phát huy mạnh mẽ những chuẩn mực đạo đức mới, sự năng động, sáng tạo, ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đưa đất nước tiến lên cùng nhân loại và thời đại… là động lực tinh thần to lớn để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.
Để việc thực hiện Chỉ thị 05 thời gian tới đạt hiệu quả thiết thực, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, cán bộ, đảng viên tập trung làm tốt một số nhiệm vụ: Tập trung nâng cao nhận thức cán bộ, Đảng viên về nội dung, giá trị và ý nghĩa của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa Đảng với dân. Thực hiện đồng bộ giữa “xây” và “chống”, nâng cao tính cảnh tỉnh, răn đe với những biểu hiện tiêu cực. Tự giác nêu gương để khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong “ Đảng đi trước, làng nước theo sau”. Lãnh đạo chủ chốt phải vững vàng tư tưởng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những biện pháp để phát huy những mặt tích cực, khắc phục những tiêu cực về đạo đức, lối sống. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là niềm vinh dự, tự hào, cũng là nhiệm vụ hằng ngày của mỗi cán bộ, Đảng viên và của mỗi người dân Việt Nam.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/chu-tich-ho-chi-minh-tam-guong-sang-ngoi-ve-dao-duc-cach-mang-a350.html