Người phụ nữ bình dị mà tấm lòng cao cả

Tấm lòng của bà quảng đại, yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ mọi người, nhiều việc làm nhân nghĩa của bà âm thầm để giúp gia đình, giúp đời.

Thay cha, vắng mẹ, chăm lo đàn em thơ

Cảm nhận của chúng tôi khi được tiếp xúc với bà, vầng trán toát lên sự thông minh, khả năng suy luận và biết cách giải quyết vấn đề một cách hợp lý. Điều đó thể hiện khi gặp khó khăn trong cuộc sống, bà luôn biết cách để vượt qua một cách dễ dàng. Bà là thẳng thắn, cương trực. Từng lời nói và hành động của bà luôn tạo cảm giác tin tưởng tuyệt đối cho người khác. Tấm lòng bà quảng đại, yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn.

Bà Trần Thị Minh tuổi Bính Thân, sinh năm 1956, vốn sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng nghề bánh cuốn Thanh Trì ( Hoàng Mai, Hà Nội). Là chị cả trong một gia đình đông con, bà thiệt thòi đủ đường, lên ba tuổi, mất bố, mẹ thì bận mưu sinh để nuôi đàn con. Vắng bố, bà thay mẹ, chăm sóc đàn em thơ dại.

phu1-1711347253.jpg
 

Đến tuổi đi học, bà vừa học vừa mày mò tự lực cánh sinh, tìm cách kiếm tiền. Ngoài giờ học, bà tranh thủ những lúc rảnh, trên vai cô bé học sinh oằn mình những bó chiếu, trên đôi chân trần, lê bước chân của phận cửu vạn, để kiếm chút tiền công, đỡ đần mẹ, chăm lo đàn em. Một tuổi thơ lam lũ, cũng vì nhà nghèo. Ròng rã nhiều năm tuổi thanh xuân của bà, ai thuê gì làm nấy để san sẻ cùng mẹ, lo miếng ăn, manh chữ cho các em.  

Mới tuổi đôi mươi, bà được mai mối cho con trai của một nhà tư sản, người quê gốc cùng làng, năm 1975. Tưởng chừng cuộc đời một bước lên bà chủ, thay bố mẹ chồng gánh vác cửu hàng nước mắm mang thương hiệu Quảng Tài. Ấy vậy, khó khăn chồng chất khó khăn tai ương dồn dập ập tới gia đình nhà chồng. Lại một lần nữa, người phụ nữ ấy lại gồng mình, cùng gia đình nhà chồng vượt qua khó khăn.

Bà sinh hạ được 3 người con; 2 con trai, 1 con gái. Đứa con gái đầu lòng, sinh năm 1976. Niềm vui lần đầu được làm mẹ vỡ òa. Niềm vui được tày gang, đứa trẻ ba tháng tuổi dở chứng, ốm đau quặt quẹo, liên tục phải nhập viện. Để có tiền cho con gái đầu lòng chữa bệnh, hai vợ chồng, tranh thủ ngày làm việc ở cơ quan, phải tìm đủ nghề làm thuê, tối lại thay nhau vào viện chăm con. Ròng rã nhiều năm, đồng tiền kiếm được, tằn tiện chi tiêu để lo điều trị cho con. (Lần mổ tay cho con gái, may mắn con bà được GS Tôn Thất Tùng đứng mổ - PV).

phu3-1711347288.jpg
 

Năm 1978 rồi năm 1981, hai đứa con trai ra đời. Để có tiền chăm lo cho đàn con, đủ miếng ăn manh áo cho các con, bà và ông phải lăn lộn thêm đủ nghề: bốc vác thuê xi măng, ai thuê gì làm nấy, kinh doanh nhỏ lẻ… chữa bệnh cho con gái đầu lòng…

Thấm thoát đã hơn 60 xuân có lẻ, sự hy sinh của bà với các em, các con, các cháu đến nay các con của bà đều đã thành đạt và có địa vị trong xã hội. Hai cháu nội của bà hiện đã định cư hẳn ở bên Canada… Trong mắt con cái, bà luôn là người mẹ chu toàn, hết lòng vì tương lai con cháu.Các em của bà từng chăm mớm, nay đã lập gia đình, cuộc sống dần ổn định…

Với gia đình và dòng tộc, bà con lối xóm, bà là người vợ hiền mẫu mực, đảm đang trách nhiệm, một công dân gương mẫu, ưu tú….  Đối với bạn bè, người thân và hàng xóm, bà luôn là biểu tượng của sự nhân hậu và trách nhiệm, được mọi người yêu mến quý trọng.  

Sống cho tròn vẹn kiếp người

Khi gợi chuyện hiến máu, bà trải lòng, bà tự nguyện, và nhận gì, dù chỉ chút quà nhỏ, hay giấy chứng nhận. Bà tâm niệm mỗi giọt máu mình cho đi, cứu được nhiều mảnh đời qua cơn nguy kịch. Ròng rã hàng chục năm âm thầm hiến máu cứu người, nhưng chưa bao giờ bà đòi hỏi gì từ việc làm này.

Với bà, đó là việc nên làm, có ý nghĩa cho cộng đồng và xã hội, một nghĩa cử cao đẹp. Kỷ niệm khó quên với những lần hiến máu đầu tiên của bà Minh là những chuyến đi kéo dài hàng giờ đồng hồ. Thậm chí, đó còn là những bước đi mệt mỏi rã rời sau khi hiến máu. Bà kể: “Mỗi lần hiến máu tôi phải tự bỏ tiền đón xe ôm vào bệnh viện. Vì lấy máu thì phải nhịn ăn sáng, nên sau khi hiến máu xong tôi đã mệt, bụng đói. Những lúc như thế tôi cũng tự hỏi, không biết tại sao mình cứ tự đày đọa bản thân mình, có lúc tôi cũng định bỏ cuộc. Nhưng rồi hình ảnh hai mẹ con bệnh nhi ôm nhau khóc vì không có tiền truyền máu, nghĩ tới bao nhiêu bệnh nhân khác đang rất cần máu, tôi lại quên đi tất cả”.

img-6836-1711347296.JPG
 

Biết hành động hiến máu cứu người là việc tốt, nhưng bà Minh kiên quyết không tiết lộ chuyện này cho gia đình biết vì sợ bị ngăn cản, nếu chẳng may hiến máu mà lây bệnh thì gia đình biết xoay xở thế nào. Mặc dù được các bác sỹ, nhân viên y tá tư vấn tận tình rằng, quy trình hiến máu sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe của người đi hiến máu, các khâu an toàn vệ sinh, số lượng máu mỗi lần hiến sẽ tuân theo quy định chung của Bộ Y tế nhưng nhiều người dân vẫn chưa nhận thức được vấn đề này. Khác với thực tế, nhiều lần bà Minh hiến máu về cảm thấy tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt hơn. Và, đặc biệt không hề có chuyện lây bệnh như nhiều người đồn đoán.

Ánh chiều sấp bóng lưng trời, chia tay bà, văng văng bên tai chúng tôi, lời bà nhắn nhủ “ Hãy sống cho tròn vẹn kiếp người”. Bởi bà ý thức: Vui buồn, thành bại cũng qua thôi. Xuân xôn xao lá chờ Thu rụng. Sống để thương cùng, sống thảnh thơi!

Trần Gia Anh Thư

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nguoi-phu-nu-binh-di-ma-tam-long-cao-ca-a34964.html