Mười năm trước, trong một lần đi thiện nguyện ở thành phố Nha Trang, gặp những em nhỏ không được đến trường học tập vì nhà quá nghèo, cô Đức đã suy nghĩ và bắt đầu nuôi ước muốn được dạy trẻ biết chữ. Từ đó, cô bắt đầu có những buổi dạy chữ cái cho những trẻ đi kiếm sống ở các khu vực bãi rác.
Sau này, cô cùng những người bạn thuê nhà dân để dạy và đặt tên lớp học là Thiện Tâm, tuy nhiên lớp học được một thời gian thì tạm ngưng. Đến năm 2023, trước nhu cầu được học chữ của trẻ, cô Đức tiếp tục tìm địa điểm mở lớp và được phường Vĩnh Phước hỗ trợ nơi dạy học rộng rãi, đủ đầy tiện nghi.
Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Vĩnh Phước cho biết, lớp tình thương của cô Đức trước kia dạy xóa mù chữ, tái mù chữ cho học sinh, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các em khuyết tật không đến trường. Đầu năm 2024 đến nay, lớp chỉ tập trung ôn bài cho các em, dạy kỹ năng sống…
Lớp Thiện Tâm có trên 50 em, ở nhiều độ tuổi và hoàn cảnh khác nhau. Mỗi tối, các em được chia thành các nhóm nhỏ để học tập. Cùng với cô Đức còn có các bạn sinh viên, người dân, tình nguyện viên hỗ trợ kèm cặp, ôn bài cho từng nhóm học sinh. Em Nguyễn Duy Thịnh (16 tuổi, trú phường Ngọc Hiệp) là học sinh khuyết tật vận động nhưng có ý chí học tập nhất lớp. Thịnh học say mê dẫu tay viết vào vở rất khó khăn. “Con thích đi học... Học xong rồi con có thể giúp cô Đức dạy lại cho các em khác... Con ước mơ được dạy học”, tiếng nói ngắt quãng của cậu học sinh khuyết tật ấy gây ấn tượng với mọi người.
Nhớ lại hành trình 10 năm ngắt quãng để làm nên lớp học của mình, cô Đức chia sẻ, gia đình lúc đầu không đồng thuận với quyết định “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” của cô. Tuy nhiên sau đó, chính gia đình là nguồn động viên, giúp cô vượt qua mọi khó khăn, giữ và duy trì lớp học như hiện nay. “Là một người mẹ có hai đứa con, tôi hiểu nỗi đau của trẻ thơ khi không có đầy đủ điều kiện như các bạn khác. Các cháu có hoàn cảnh khó khăn, nếu không được học hành sẽ rất khổ. Thế nên giúp được gì tôi luôn cố gắng”, cô Đức tâm sự.
Ngoài mở và dạy ở lớp tình thương, cô Đức còn nhận nuôi thêm 6 người con; trong đó một em đang học nghề, hai em đủ tuổi đến trường, ba em nhỏ vẫn đang tuổi Mầm non. “Ngày nào tôi cũng thức dậy từ 5 giờ sáng đến tối muộn vẫn chưa xong việc. Nhiều lúc, tôi chỉ có thời gian chăm các con, rồi tới lớp tình thương mỗi tối. Việc nhà hôm nay không xong, sang ngày hôm sau làm tiếp”, cô Đức chia sẻ.
Em Lưu Hồng Diệu là con nuôi của cô Đức năm nay học lớp 2 Trường Tiểu học Vĩnh Thạnh (thành phố Nha Trang). Em học rất giỏi. Tối nào, Diệu cũng theo mẹ đến lớp tình thương để vừa ôn bài với các bạn, vừa vui chơi, phụ mẹ chỉ thêm bài cho các bạn trong lớp. “Mẹ Đức dạy con học giỏi, dạy con học bơi, học đàn. Lớn lên, con kiếm thật nhiều tiền cùng mẹ Đức chăm lo cho các em. Chúng con rất thương mẹ”, em Diệu vui vẻ tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Vĩnh Phước khẳng định, cô Đức kiên trì, bền bỉ với ước mơ được giúp đỡ các học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật. Bản thân cô vừa chăm lo cho gia đình và nhận thêm 6 người con nuôi do mẹ các cháu mất vì COVID-19. Cân bằng giữa gia đình và các hoạt động thiện nguyện là điều không dễ dàng đối với một người bình thường, đặc biệt là một người phụ nữ của gia đình như cô Đức. Do đó, Ủy ban nhân dân phường luôn quan tâm, động viên cô và lớp học. Mới đây, phường đã lập danh sách gửi các cấp để xem xét, biểu dương, khen thưởng cô Đức đã học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/co-giao-day-tinh-thuong-a34852.html