30 năm cuộc "cách mạng" thay đổi nhận thức của người dân về hiến máu tình nguyện

Sáng 20/1, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương (Bộ Y tế) tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày phát động phong trào hiến máu nhân đạo tại Việt Nam (24/1/1994-24/1/2024). Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tham dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Y tế, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các tình nguyện viên, người tham gia hiến máu, người bệnh đang điều trị tại Viện.

PGS, TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương chia sẻ, sau 30 năm phát động phong trào hiến máu nhân đạo, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đến nay đã đạt 99%; xây dựng và phát triển được hệ thống Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện từ Trung ương đến địa phương; thành lập được 5 Trung tâm truyền máu khu vực, nhiều trung tâm truyền máu vùng, nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp nhận máu, xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu. Do đó, người bệnh cần truyền máu ở các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa cũng được thụ hưởng các chế phẩm máu chất lượng như các bệnh viện ở tuyến trung ương

vna-potal-le-ky-niem-30-nam-ngay-phat-dong-phong-trao-hien-mau-nhan-dao-tai-viet-nam-7189241-837jpeg-1705747556.webp
Khu vực hiến tiểu cầu tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương với vai trò là Viện chuyên khoa đầu ngành thuộc Bộ Y tế, là cơ quan thành viên của Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đã có nhiều nỗ lực, không ngừng tiên phong, sáng tạo và là “đầu tàu” trong công tác truyền thông, vận động hiến máu.

Từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm cả nước đã tiếp nhận được trên 1 triệu đơn vị máu. Lượng máu tiếp nhận được năm 2023 đã cao gấp 11 lần so với năm 1994, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đến nay đã đạt 99%.

"30 năm qua thực sự là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về hiến máu tình nguyện. Hoạt động hiến máu tình nguyện đã trở thành một phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn, thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội", Viện trưởng Nguyễn Hà Thanh khẳng định. 

295a7952-1705734386192-1705747689.jpg
Ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân cùng PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương thăm hỏi và tặng quà người hiến máu.

Tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá cao sự sáng tạo và tâm huyết của tập thể các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã phối hợp các đơn vị cùng gây dựng, duy trì và phát triển được một phong trào đầy sức sống, mang đậm tình yêu thương, góp phần quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

295a8112-1705734199998-1705747516.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: CAND)

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ sau 30 năm phát động phong trào, đến nay cả nước ta đã có trên 21,3 triệu lượt người tham gia hiến máu, hàng vạn cá nhân hiến máu tình nguyện tiêu biểu trên 30, 50 lần, thậm chí có người hiến máu và tiểu cầu gần 170 lần; đã có hàng nghìn gia đình mà hầu hết các thành viên cùng hiến máu và tham gia vận động hiến máu tình nguyện; nhiều cơ quan, trường học, doanh nghiệp và địa phương thường xuyên tổ chức ngày hiến máu. 

Nhiều chiến dịch, sự kiện, chương trình hiến máu tình nguyện lớn đã được triển khai thành công, thu hút sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân như: "Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết" và Lễ hội Xuân hồng, Chủ nhật Đỏ; Hưởng ứng “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện” - 7/4; “Chiến dịch những giọt máu hồng - hè" và Hành trình Đỏ, "Ngày Quốc tế người hiến máu" - 14/6… 

"Tôi đặc biệt ấn tượng, ngay trong những thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch COVID -19 diễn ra, nhiều địa phương bị phong tỏa nhưng vẫn có hàng chục ngàn người vượt mọi khó khăn để tham gia hiến máu; nhiều trường hợp hiến máu cấp cứu khẩn cấp ngay trong đêm, hiến máu tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… điều này càng khẳng định ý nghĩa nhân văn cao đẹp của phong trào hiến máu tình nguyện, góp phần tô thắm truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”… đáng tự hào của dân tộc Việt Nam", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

vna-potal-le-ky-niem-30-nam-ngay-phat-dong-phong-trao-hien-mau-nhan-dao-tai-viet-nam-7189235-1346jpeg-1705747551.webp
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tặng biểu trưng, tôn vinh các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

“Những năm 1990, 90% người dân đi bán máu lấy tiền. Nếu cần máu cấp cứu, người bệnh chỉ chờ vào người nhà, hoặc mua máu từ người bán” - Tiến sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm máu, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội kể lại.

Tiến sĩ Trần Ngọc Quế không quên kỷ niệm cả nhóm sinh viên y khoa vận động hiến máu những năm 1990 đã bị phụ huynh của một bạn sinh viên mắng, đuổi đánh vì không đồng ý cho con hiến máu.

Nhưng, tình trạng thiếu máu trầm trọng, nhiều ca cấp cứu không còn cơ hội sống sót vì thiếu máu truyền, nhiều phương pháp điều trị hiện đại cũng “bó tay” vì không có nguồn máu dự trữ.

Những năm 1990, căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS lúc đó bắt đầu hoành hành, nguy cơ không bảo đảm an toàn truyền máu rất trầm trọng. Tình trạng khan hiếm, thiếu máu điều trị thường xuyên diễn ra tại các cơ sở y tế trên cả nước. Bởi vậy, nhóm sinh viên đã nghĩ đến việc vận động hiến máu.

Đến năm 1993, một nhóm sinh viên y khoa khoảng 13 người, trong đó có sinh viên Trần Ngọc Quế, Nguyễn Đức Thuận, Ngô Mạnh Quân… đã xin với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Đỗ Trung Phấn - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương - triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về việc vận động các bạn sinh viên tham gia vận động hiến máu.

Ngày 24/1/1994, tại Bệnh viện Bạch Mai, Câu lạc bộ đã đứng ra tổ chức thành công Ngày hiến máu nhân đạo đầu tiên của Việt Nam.

Mạnh Linh

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/30-nam-cuoc-cach-mang-thay-doi-nhan-thuc-cua-nguoi-dan-ve-hien-mau-tinh-nguyen-a34528.html