Quần đảo Cô Tô nằm giữa biển, do vậy hàng ngày đều có nguồn rác thải rất lớn từ ngoài khơi dạt vào các bãi. Mặt khác, hàng năm Cô Tô đón lượng khách du lịch rất đông, kèm theo lượng rác thải lớn của du khách thải ra rất nhiều chai, túi nhựa…
Thống kê của huyện Cô Tô cho thấy, mỗi năm huyện đảo đón từ 6.000-8.000 khách du lịch. Vào những ngày cao điểm mùa du lịch, công ty môi trường phải thu gom lượng rác thải rất lớn, từ 15-17 tấn/ngày, tạo thành áp lực và gánh nặng cho môi trường huyện đảo, nhất là đối với các loại rác thải lâu phân hủy.
Lượng rác thải từ du lịch cũng là một gánh nặng cho môi trường huyện đảo. Quỹ đất để chôn lấp rác thải rất ít, chi phí vận chuyển rác thải nhựa khi đã được phân loại về đất liền cũng khá lớn.
Xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phải đi đôi với bảo vệ môi trường, huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, môi trường tự nhiên và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững trên địa bàn.
Đồng thời, là vùng biển đảo được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều cảnh quan đẹp, thời gian qua, huyện Cô Tô đã triển khai nhiều biện pháp phát triển du lịch, đem lại hiệu quả rõ nét. Để tiếp tục phát triển và giữ vững được những nét đẹp vốn có, thì việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan luôn được quan tâm, thực hiện với nhiều hoạt động, phong trào thiết thực và được các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, nhân dân tích cực hưởng ứng.
Rất nhiều hoạt động ý nghĩa bảo vệ môi trường đã được huyện Cô Tô thường xuyên thực hiện như: Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”; phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”; triển khai các đề án “Phân loại rác thải tại nguồn”, “Hạn chế sử dụng túi nilon”; thường xuyên tuyên truyền, người dân, du khách tự giác thu gom, nâng cao ý thức để rác đúng nơi quy định... Qua đó, đã góp phần rất lớn tạo môi trường xanh - sạch - đẹp tại các bãi biển, khu dân cư, xây dựng nếp sống văn hóa bảo vệ môi trường của nhân dân trên địa bàn huyện.
Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Cô Tô Nguyễn Thị Thủy cho biết: "Mô hình “Dùng làn đi chợ” hay nói không với túi ni lông vẫn được duy trì thường xuyên và nhân rộng ra toàn huyện, đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân và du khách đến với huyện đảo Cô Tô trong việc chung tay bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng địa phương ngày một xanh, sạch, đẹp".
Cùng với đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã từng bước hiện đại hóa phương thức xử lý chất thải theo định hướng giảm dần tỷ lệ xử lý bằng chôn lấp, tăng dần tỷ lệ xử lý bằng phương pháp đốt. Các bãi chôn lấp không còn khả năng tiếp nhận và xử lý chất thải hoặc các bãi chôn lấp không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường đã được tỉnh chỉ đạo đóng cửa và thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Từ tháng 8/2022, chính quyền huyện Cô Tô đã tuyên truyền, khuyến khích du khách và người dân không sử dụng túi nilon và đồ nhựa 1 lần và có kết quả tích cực. Môi trường biển ở Cô Tô được cải thiện, một số loại động vật quý hiếm như rùa, vích, cá heo xuất hiện trở lại. Ý thức người dân về việc thay thế các đồ dùng thân thiện với môi trường cũng ngày một tốt hơn. Chính vì vậy, việc ngừng sử dụng đồ nhựa dùng một lần tại huyện đảo Cô Tô là góp phần hồi sinh môi trường biển, phát triển du lịch bền vững.
Đặc biệt, từ ngày 15/9, du khách sẽ không được mang túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần ra các đảo thuộc huyện Cô Tô. Không chỉ áp dụng cho nhân dân, du khách mà đối với các tàu chở khách, chở hàng nếu không chấp hành quy định này sẽ không được cập cảng. Đây được cho là biện pháp mạnh của địa phương này đưa ra để tạo thói quen, sự đồng bộ trong việc ngăn chặn rác thải nhựa, túi nilon thải ra đảo.
Cùng với đó, tất cả cơ quan đơn vị hành chính, trường học, chợ, cơ sở kinh doanh dịch tàu đánh bắt hải sản trên địa bàn huyện đảo không được sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần. Huyện Cô Tô cũng ban hành quy định nêu gương với cán bộ, đảng viên trong việc không sử dụng túi nilon, vật liệu nhựa dùng một lần để nhân dân cùng làm theo.
Các cá nhân, tập thể có hành vi bỏ rác không đúng nơi quy định, sử dụng vật liệu gây nguy hiểm đến môi trường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Nhờ đó ý thức về việc sử dụng các đồ dùng thân thiện với môi trường của người dân tại huyện đảo ngày càng được nâng cao hơn. Người dân và chính quyền cùng phối hợp để dọn rác thải định kỳ ở những bãi tắm, đường xá, thu gom nước thải để xử lý giúp vùng biển đảo Cô Tô ngày càng trong sạch.
Môi trường biển ở Cô Tô được cải thiện, một số loại động vật quý hiếm như rùa biển, cá heo đã xuất hiện gần bờ sau nhiều năm vắng bóng. Môi trường biển được tái sinh, nhiều rạn san hô bắt đầu sinh trưởng tốt.
Bạn có thể chung tay giúp Cô Tô thực hiện mục tiêu của mình bằng cách du lịch giảm nhựa với các mẹo đơn giản như: Mang theo túi vải, bình nước, hộp đựng đồ ăn cá nhân,... để giảm thiểu tối đa lượng rác nhựa thải ra môi trường. Mỗi hành động giảm nhựa đều góp phần to lớn giúp thiên nhiên Cô Tô luôn luôn tươi đẹp và trong lành.
Thuý Loan
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hon-dao-dau-tien-cua-viet-nam-cam-du-khach-mang-do-nhua-dung-1-lan-len-dao-a34227.html