Rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, mỗi năm lượng rác nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó, 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương. Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Theo Chương trình môi trường Liên Hợp quốc, hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế để chỉ sử dụng một lần; trong số đó, ít hơn 10 phần trăm được tái chế. Ước tính có khoảng 19 - 23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển hằng năm.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường (trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, số lượng rác thải nhựa đưa ra môi trường lên đến 80 tấn/ngày). Trong số đó có 0,28-0,73 triệu tấn bị thải ra biển; chỉ khoảng 27% số số nhựa được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Nhận thấy sự ảnh hưởng của chất thải và rác thải nhựa đối với môi trường không những ngày càng gây ảnh hưởng tới môi trường mà còn có thể gây ảnh hưởng trực tiếp lên sức khỏe con người, trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai tích cực các hoạt động nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa, trong đó các giải pháp về truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng đã được triển khai trên diện rộng, nhiều mô hình, sáng kiến giải quyết rác thải nhựa đã ra đời và áp dụng có hiệu quả trong đời sống, đặc biệt là các phong trào của giới trẻ trên khắp cả nước.
Nhiều địa phương trên khắp cả nước cũng như các doanh nghiệp đã có những hành động, hoạt động tích cực trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức và thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa.
Như tại Côn Đảo là một huyện đảo tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã mất rất nhiều năm "đau đầu” vì rác thải không được xử lý, tái chế. Theo thống kê của huyện Côn Đảo, chỉ tính riêng lượng rác thải nhựa từ hoạt động du lịch tại Côn Đảo đã lên đến 221,4 tấn/năm, trong đó rác thải nhựa phát sinh tại các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch chiếm 33,3%. Bên cạnh đó rác thải sinh hoạt và du lịch trên đảo ước tính khoảng 25 tấn/ngày (trong đó lượng rác nhựa chiếm gần 2 tấn) trong khi công suất xử lý của nhà máy xử lý rác thải hiện hữu trên địa bàn huyện chỉ khoảng 10 tấn/ngày.
Rác được đổ lộ thiên tại Bãi Nhát. Hiện bãi này tồn đọng hơn 70.000 tấn rác chưa được xử lý triệt để. Ngoài lượng rác thải sinh hoạt từ đảo trung tâm, hàng năm huyện Côn Đảo còn phải hứng chịu lượng lớn rác từ đại dương dạt vào bờ biển và các đảo nhỏ. Vì vậy, giảm ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những vấn đề được lãnh đạo tỉnh, huyện Côn Đảo và nhiều tổ chức bảo vệ môi trường quan tâm trong quá trình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của huyện Côn Đảo. Côn Đảo cũng xác định mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu xây dựng huyện trở thành điểm đến không rác thải nhựa đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với mục tiêu giảm 30% rác thải nhựa thất thoát ra môi trường và tăng 1% tỷ lệ tái chế, tái sử dụng rác thải tại nguồn.
Từ tháng 3/2022, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF- Việt Nam) và UBND huyện Côn Đảo tổ chức ký cam kết “Côn Đảo - Điểm đến giảm nhựa” với thông điệp “Đến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương”. Với nhiều giải pháp tích cực, sau hơn 1 năm triển khai Côn Đảo đã trở thành “Điểm đến giảm nhựa”. Trong đó tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa, thu gom rác thải nhựa đại dương tồn đọng trên các bãi biển công cộng; vận hành cơ sở tái chế rác hữu cơ từ hộ dân, nhà hàng và chợ, xây dựng cơ chế chính sách về giảm rác thải nhựa tại Côn Đảo ...
Tiêu biểu trong các hoạt động hưởng ứng giảm thiểu rác thải nhựa có phong trào "Ngày thứ bảy xanh - sạch - đẹp" với 7-9 đợt ra quân mỗi năm, thu hút sự tham gia của các cơ quan đơn vị và cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó là phong trào đổi rác lấy quà được phát động từ đầu năm 2022 đến nay, qua 10 đợt triển khai, đã thu gom được gần 1 tấn rác nhựa tái chế.
Đặc biệt 100% các hoạt động lễ hội, sự kiện tại Côn Đảo tổ chức năm 2023 đã sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, không sử dụng chai nhựa và sản phẩm nhựa một lần.
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nếu chất thải nhựa không được quản lý hiệu quả thì nguồn tài nguyên và sự đa dạng sinh thái biển mà thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ bị tổn hại. Do đó, để giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng để hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng và địa phương của tỉnh cần có sự nhận diện đầy đủ các nguồn gây ô nhiễm môi trường để có các giải pháp đồng bộ, quyết tâm và hành động bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, sở đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích, hỗ trợ các DN, cơ sở tái chế chất thải chấp hành tốt pháp luật bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn, chất thải nhựa phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng thời, Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng khuyến khích các đơn vị bán lẻ, siêu thị, cửa hàng thay thế túi nylon khó phân hủy bằng túi thân thiện với môi trường, thay hộp xốp bằng hộp giấy, thay ống hút nhựa, ly nhựa bằng ly giấy, ống hút giấy… để giao hàng cho khách.
Để hướng tới một tương lai giảm thiểu rác thải nhựa, hướng tới trở thành "Điểm đến giảm nhựa", cần sự đồng lòng và tuân thủ quy định giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường của mỗi du khách khi đến Côn Đảo bên cạnh sự quyết tâm của các cơ quan quản lý địa phương và người dân.
Huy Hoàng
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/no-luc-quyet-tam-trong-giam-thieu-rac-thai-nhua-dai-duong-a34221.html