Còn nhiều tiềm năng phát triển vận tải thủy nội địa
Theo Cục Đường thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam nằm trong nhóm nước có mật độ sông, kênh vào loại cao nhất thế giới, gồm 2.360 sông, kênh, tổng chiều dài khoảng 41.900km với trên 120 cửa sông. Mật độ sông, kênh bình quân là 0,27km/km2. Rõ ràng, tiềm năng để phát triển vận tải thủy nội địa rất lớn.
Tổng chiều dài đường thủy nội địa hiện tại đang được quản lý khai thác là 17.253km (chiếm 41,2% tổng chiều dài sông, kênh cả nước), trong đó, đường thủy nội địa quốc gia do Cục Đường thủy nội địa trực tiếp quản lý là 7.180,8 km.
Về cảng, bến, cả nước có 306 cảng (198 cảng hàng hóa, 11 cảng hành khách, 97 cảng chuyên dùng); 6.456 bến thủy nội địa (4.964 bến có phép hoạt động, còn lại là bền không phép) và 2.526 bến khách ngang sông. Hầu hết các cảng biển khu vực miền Bắc, miền Nam có kết nối tự nhiên với các tuyến đường thủy nội địa, bên cạnh đó đường thủy nội địa còn kết nối đến tuyến vận tải ven biển thông qua 120 cửa sông.
Về đội tàu, tính đến cuối năm 2022, cả nước có tổng số 237.622 phương tiện thủy nội địa, tổng trọng tải khoảng 22,2 triệu tấn, tổng sức chở là hơn 619.000 người, tổng công suất gần 16,4 triệu Cv, độ tuổi bình quân 15 năm. Đặc biệt, sau hơn 8 năm hình thành tuyến vận tải ven biển, có 2.844 phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB.
Đến nay, cả nước có 236 cơ sở đóng tàu thủy nội địa, trong đó một số cơ sở đóng tàu có năng lực đóng phương tiện thủy nội địa với tổng trọng tải toàn phần đến 16.000 tấn. Số doanh nghiệp vận tải đường thủy đang hoạt động là gần 1.800 doanh nghiệp.
Với những lợi thế đó, thị phần vận tải thủy nội địa hiện chỉ đứng sau vận tải đường bộ, chiếm khoảng 21% về luân chuyển hàng hóa toàn ngành. Riêng năm 2022, sản lượng vận tải hàng hóa đường thủy nội địa đạt hơn 387 triệu tấn, tăng 22,7%; luân chuyển hàng hóa đạt 93 tỷ tấn.km, tăng 37% so với cùng kỳ 2021. Đáng chú ý, hàng container đường thủy nội địa có bước phát triển nhanh chóng, đặc biệt ở khu vực phía Nam. Tại cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, hàng container đường thủy nội địa chiếm đến 43% tổng lượng hàng container thông qua cảng.
Vận tải hàng hóa bằng phương tiện mang cấp VR-SB trên tuyến vận tải đường thủy ven bờ biển đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực trong việc tăng thị phần vận tải đường thủy, ven biển và góp phần giảm tải áp lực cho giao thông đường bộ. Giai đoạn 2020 - 2021, lượng hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện VR-SB thông qua các cảng thủy nội địa và cảng biển đạt hơn 273 triệu tấn, tăng hơn 200% so với giai đoạn 2017 - 2019; riêng năm 2022 đạt hơn 85 triệu tấn, tăng 15% so với 2021.
Việc phát triển vận tải thủy nội địa không chỉ giúp Việt Nam tận dụng tối đa tiềm năng từ lợi thế tự nhiên sẵn có, mà còn là lời giải hữu hiệu cho bài toán chi phí – lợi ích, đồng thời góp phần cụ thể hóa mục tiêu Net Zero.
Giao thông đường thủy nội địa có nhiều khởi sắc
Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Lê Minh Đạo, cho biết trong công tác quản lý vận tải, Cục triển khai nhiều giải pháp theo hướng tăng thị phần vận tải thủy nội địa, chia sẻ thị phần vận tải đường bộ, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên đường bộ, góp phần giảm chi phí vận tải, giảm chi phí logistics.
Với việc triển khai các giải pháp về an toàn giao thông, nhất là tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, tình hình tai nạn giao thông chuyển biến tốt, giảm cả 3 tiêu chí. Theo đó, cả nước xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa làm 8 người chết và không có người bị thương. So với 6 tháng đầu năm 2022, giảm 8 vụ (-40%), giảm 25 người chết (-75,76%) và giảm 3 người bị thương (-100%).
Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, tổ chức giám sát công tác đào tạo thông qua camera, thiết bị định vị phương tiện thực hành. Qua đó, hoạt động đào tạo, thi, sát hạch cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ thuyền viên thủy nội địa được chấn chỉnh kịp thời.
Công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong đó, thường xuyên tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các phương tiện chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Sắp xếp nơi neo đậu tàu, thuyền, đảm bảo hợp lý, an toàn cho phương tiện, không để xảy ra tình trạng vi phạm hành lang an toàn luồng chạy tàu, làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông khác trên đường thủy nội địa...
Cục cũng tập trung triển khai các nhiệm vụ, các chương trình công tác của Bộ Giao thông vận tải giao đảm bảo tiến độ. Công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản được thực hiện thường xuyên, liên tục đan xen trong quá trình xây dựng, biên soạn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tránh để xảy ra những văn bản có nội dung trái pháp luật.
Đối với những văn bản quy phạm pháp luật, Cục kiểm tra, rà soát chặt chẽ từ khâu soạn thảo, thẩm định trước khi trình cấp có thẩm quyền ký ban hành. Vì vậy, nâng cao được chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.
Nhiều chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa
Theo Bộ Giao thông Vận tải, đường thủy nội địa vẫn chưa được quan tâm đầu tư tương xứng với vai trò trong hệ thống giao thông vận tải cả nước; nguồn vốn đầu tư mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư, chưa đồng bộ giữa tuyến luồng và cải tạo tĩnh không các cầu nên các điểm nghẽn trên các hành lang vận tải chính chưa được giải quyết triệt để; quy hoạch giữa các lĩnh vực còn chưa thực sự gắn kết...
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương quản lý các tuyến đường thủy nội địa đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn; cụ thể hóa trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong tổ chức, thực hiện.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai đồng thời 5 quy hoạch ngành giao thông vận tải theo hướng tích hợp, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối giữa các chuyên ngành và khắc phục hạn chế của các quy hoạch trước đây; trong đó cảng biển được ưu tiên là vị trí trung tâm, kết nối là đường thủy nội địa, đường bộ và đường sắt; đã bố trí các cảng cạn để hỗ trợ để gom, rút hàng container trong nội địa, trở thành “cánh tay nối dài” của cảng biển.
Theo đó, thị phần vận tải lĩnh vực đường thủy nội địa đã quy hoạch tăng từ 17,83% lên 24,1% đồng thời chú trọng kết nối bằng đường thủy nội địa đến các cảng biển, quy hoạch các bến cảng phục vụ cho phương tiện thủy trong vùng nước cảng biển để nâng cao khối lượng hàng hóa được gom, rút bằng đường thủy nội địa đến cảng biển; đã lập kế hoạch thực hiện quy hoạch 4 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải) gồm các giải pháp thực hiện quy hoạch và danh mục các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2030, đang tổ chức lập các quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đa dạng hóa thu hút nguồn lực đầu tư, đầu tư có trọng tâm trọng điểm; trong đó, nguồn vốn ngân sách tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng công cộng, nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư bến cảng với phương châm “vốn Nhà nước chỉ là vốn mồi”, “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2030, sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư phát triển đường thủy nội địa khoảng 157.533 tỷ đồng, dự kiến huy động ngoài ngân sách khoảng 128.614 tỷ đồng (chiếm 82%); sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển khoảng 313.000 tỷ đồng, dự kiến huy động ngoài ngân sách khoảng 297.350 tỷ đồng (chiếm 95%).
Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với các địa phương xây dựng danh mục, thứ tự ưu tiên các dự án để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, các tổ chức tín dụng tham gia đầu tư…
Ninh Nguyễn
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/trien-khai-nhieu-giai-phap-de-phat-trien-giao-thong-duong-thuy-noi-dia-a34220.html