Gặp “ông chủ” khởi nghiệp từ bán trà dạo và bí quyết thành công trong kinh doanh

Ít ai biết rằng, để có được tên tuổi như ngày hôm nay, danh trà Đức Phượng đã trải qua quá khứ khó khăn, bán trà dạo kiếm sống rồi từng bước khởi nghiệp. Và để kinh doanh bền vững thương hiệu “Trà cung đình Huế”, vị doanh nhân này có chiến lược riêng cho mình.

Ấn tượng con đường thành công

Chắc chắn hàng chục năm qua, “Trà cung đình Huế – Đức Phượng” đã rất đổi quen thuộc với người dân Cố đô cũng như cả nước, đây là loại trà thảo mộc mà một khi du khách về với Huế không thể không tìm đến mua để thưởng thức và làm quà. Người tạo nên thương hiệu ấy là danh trà Đức Phượng, tên thật là Nguyễn Văn Phượng (SN 1969, trú 24 Nguyễn Huệ, TP. Huế). 

Những ngày cuối năm, trời mưa rả rích, phố xá tấp nập, nhâm nhi tách trà nóng, ông Phượng chia sẻ, ông sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê tỉnh Thái Bình. Vì hoàn cảnh khó khăn, chàng thanh niên trẻ hồi ấy đã quyết định vào xứ Huế lập nghiệp. Miền Bắc nơi ông Phượng sinh sống rất nổi tiếng với trà Thái Nguyên, ông đã mang một balo lớn trà Thái vào Huế rồi thuê một phòng trọ nhỏ, đạp xe đạp khắp nơi bán trà dạo kiếm sống.

anh-1-2-1702283356.jpg
Ông Phượng cùng thương hiệu nổi tiếng của mình tham dự “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ”

Một thời gian sau, ông Phượng bán trà cố định ở chợ Đông Ba, nhưng vẫn không khấm khá hơn là bao. Thời điểm này, ông Phượng thấy khách mua nhiều quà như tôm chua, mè xửng, nón lá..., những sản phẩm đặc trưng của Huế. Ông nghĩ các sản phẩm trên chưa mang dáng dấp cụ thể nào của xứ kinh kỳ, chưa liên quan đến đền đài lăng tẩm... ở Cố đô.

“Tôi có ý tưởng tạo ra một loại trà độc đáo, mang dấu ấn của giới quý tộc, vua chúa, chốn cung đình. Khi du khách tham quan Huế xong thì có dịp thưởng thức vị trà nào đó mang phong vị văn hóa cố đô. Cũng bởi tôi buôn bán trà nhiều năm nên khá am hiểu về loại đồ uống này nên đã bắt tay vào thực hiện...”, danh trà xứ Huế thổ lộ.

Có thể nói rằng, dù khởi nghiệp muộn, thế nhưng ông Phượng đã thành công rực rỡ ngoài mong đợi. Ông Phuợng kể tiếp rằng, khoảng thời gian đầu nghiên cứu tạo ra trà rất gian nan, ông phải nghiên cứu sách vở, tìm nguyên liệu khắp cả nước về chế biến thử ngay trong căn phòng mà ông “ăn ngủ” hằng ngày.

anh-2-1-1702283356.jpg
“Trà cung đình Huế - Đức Phượng” được tinh chế từ 16 vị thảo dược khắp ba miền Bắc, Trung, Nam.

Cái khó ló cái khôn, khi trà chỉ mới sơ chế, ông đã mạnh dạn mang nó tiếp cận với khách hàng. Theo đó, cứ sau một đêm pha chế thì sáng hôm sau ông mang ra chợ để mời mọi người dùng thử. Tiểu thương, người dân, du khách... bất kỳ ai cũng đều được ông mời. Đa số là những ý kiến chê trà nào là ngọt quá, chua chát quá, chưa được thơm lắm, còn đắng... tất cả đều được ông Phượng lắng nghe, ghi lại để dần hoàn thiện sản phẩm.

Cuối cùng sau khoảng 2 năm, ông Phượng đã tìm ra công thức cho sản phẩm trà của riêng mình. Sản phẩm được ông lấy tên là “Trà cung đình Huế - Đức Phượng”, tinh chế từ 16 vị thảo dược khắp ba miền Bắc, Trung, Nam như: Atiso, cỏ ngọt, đại táo, hoài sơn, đẳng sâm, hồng táo, hồi hoa, cam thảo bắc, hoa cúc, tim sen, hoa hòe, hoa lài, thảo quyết minh, khổ qua, kỷ tử, vối nụ... Đặc biệt, sản phẩm không sử dụng bất kỳ loại hóa chất phụ gia nào, được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp chứng nhận về tiêu chuẩn sản phẩm. 

Hiện các sản phẩm của “Trà cung đình Huế - Đức Phượng” đã được phân phối trên tất cả các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mai, đại lý bán hàng lớn nhỏ trong toàn quốc. 

Với danh tiếng của mình, ông Phượng đã được mời tham dự nhiều hội nghị, triển lãm, trưng bày sản phẩm trong nước và quốc tế, trong đó có “Tuần lễ quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao” ở Thái Lan, hay tại “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ” vào tháng 9/2019, Trà cung đình Đức Phượng tự hào là nhãn trà duy nhất Việt Nam tại diễn đàn. Ông cũng đã được nhận nhiều giải thưởng, trong đó có giải ASEAN về chất lượng sản phẩm vào năm 2016. “Danh trà xứ Huế” cũng thường xuyên tài trợ cho các chương trình, các hoạt động thiện nguyện.

anh-3-3-1702283356.jpg
Các sản phẩm được phân phối và quảng bá rộng khắp toàn quốc.

Chất lượng sản phẩm đi đôi với chữ “tâm”

Nói về việc kinh doanh hiện tại, ông Phượng cho biết, ngoài có một website riêng mang tên tracungdinhhue.com.vn, doanh nghiệp của ông còn áp dụng các hình thức bán hàng online trên nền tảng mảng xã hội. Không chỉ vậy, sản phẩm Trà cung đình Huế còn có mặt trên các sàn giao dịch thương mại để tiếp cận với người dùng nhiều hơn.

“Trong xu hướng hiện nay, khách hàng hướng đến các sản phẩm xanh, sạch, an toàn môi trường…, do đó, doanh nghiệp có thể đổi mới về quy trình sản xuất, quy trình cung ứng sản phẩm hay đổi mới về bao bì sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường. Khách hàng thời đại công nghệ số có xu hướng mua online nên mong muốn được trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ để tăng tính kiểm chứng trước khi mua”, ông Phượng nói.

anh-4-1-1702283356.jpg
Trụ sở chính “Trà cung đình Huế - Đức Phượng”.

Nhìn lại hành trình đã qua, vị doanh nhân xứ Huế cho rằng đã có chiến lược riêng cho mình để kinh doanh thành công và bền vững, bởi ngày nay các thương hiệu trà “mọc lên như nấm” nhưng ông không sợ bị canh tranh.

Trước hết, làm gì cũng phải có “tâm”, chỉ có làm bằng cái “tâm” thì mới có thể vươn tới cái “tầm”. Với ông, chữ “tâm” hay đạo đức trong kinh doanh mang lại sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Lừa dối khách hàng là điều tối kị khi kinh doanh. Việc quảng cáo có thể giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng, nhưng đừng vì thế mà lạm dụng nó. Ông cho rằng, chỉ có giá trị thật sự mới giữ chân được khách hàng. Việc doanh nghiệp đảm bảo cung cấp sản phẩm tốt nhất sẽ giúp sản phẩm được thị trường đón nhận và tiêu thụ bền vững. Ngược lại, việc chỉ chăm chăm vào lợi nhuận, tạo ra những sản phẩm kém chất lượng thì chỉ sớm thôi cũng bị đào thải ra khỏi thị trường đầy sự cạnh tranh khốc liệt này.

Thứ hai, chất lượng sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi vậy, với ông, không vì lợi nhuận mà sản xuất cẩu thả, không vì lượng tiêu thụ nhiều mà cung cấp sản phẩm kém chất lượng cho khách hàng.

anh-5-1702283356.jpg
Ông Nguyễn Đức Phượng kinh doanh bằng “cái tâm” và chất lượng sản phẩm đặt lên hàng đầu.

“Bản thân tôi luôn xác định sự tồn tại, phát triển của một doanh nghiệp phải gắn liền với sự tín nhiệm, yêu quý của người tiêu dùng. Chỉ khi nhà sản xuất thực sự tôn trọng và luôn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mới thuận lợi hơn và sản phẩm làm ra mới được người tiêu dùng nồng nhiệt đón nhận”, ông Phượng chia sẻ.

Ngoài ra, hãy lấy sự hài lòng của khách hàng làm thước đo đánh giá chất lượng của sản phẩm, từ đó trở thành thành một kênh thông tin hữu ích để doanh nghiệp có những thay đổi giúp sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng hơn. Ông Phượng khẳng định, chính từ việc quan tâm đến sự đánh giá của khách hàng, sản phẩm “Trà cung đình Huế” mới tạo nên một thương hiệu lớn như ngày hôm nay.

Ông chủ “Trà cung đình Huế – Đức Phượng” là doanh nhân thành đạt và nổi tiếng ở Huế, được lãnh đạo địa phương quan tâm, giúp đỡ, được giới kinh doanh mến mộ. Mới đây, ông Phượng đấu giá cũng đã đấu trúng giá thành công biển số xe 75A-33333

Ngự Bình

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/gap-ong-chu-khoi-nghiep-tu-ban-tra-dao-va-bi-quyet-thanh-cong-trong-kinh-doanh-a34162.html