Vị trí xảy ra sạt lở không chỉ ở Gò Nổi (vùng đất nối 3 xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong (Điện Bàn, Quảng Nam), bao bọc 3 con sông Thu Bồn, Chiêm Sơn, Bến Giá), như báo chí đã phản ánh, mà nó còn xảy ra cả ở khu vực Gò Vịt và Gò Mồ Côi, hai cánh đồng nằm trải dài theo triền sông Thu Bồn (đoạn chảy qua thôn Tân Thành và Cẩm Phú thuộc xã Điện Phong).
Đứng giữa thửa ruộng lõm như hố bom toàn đất cát, bà Hà Thị Xuân (thôn Cẩm Phú) ngậm ngùi: “Gia đình tôi có tổng thảy 10 sào đất (tương đương 5.000m2). Thế nhưng sau mỗi mùa mưa lũ đi qua, nước sông lại cuốn trôi đất canh tác. Dần dà, đất chìm nghỉm dưới lòng sông và diện tích bây giờ chỉ còn 5 sào”. Theo người dân, tình trạng sạt lở diễn ra kinh hoàng nhất là vào thời điểm cuối năm 2016. Không chỉ một lượng lớn đất canh tác bị nước sông cuốn trôi, mà ngay cả hoa màu của bà con “đổ mồ hôi sôi nước mắt” vun trồng cũng bị “nuốt chửng”. Ông Nguyễn Thành Nga (thôn Tân Thành) đến giờ vẫn còn xót xa vì một mẫu đất đã vĩnh viễn mất trắng. “Hàng chục năm qua, 6 miệng ăn trong nhà đều trông cậy cả vào phần đất do tổ tiên để lại. Nào ngờ, hai đợt lũ lớn năm ngoái đã cuốn phăng tất cả. Đất biến thành sông, hoa màu gồm ớt, lạc… theo đó cũng bị chôn vùi. Trước đây, lòng sông chảy qua địa phương hẹp lắm nhưng giờ đã cơi nới thêm cả trăm mét, dần dần ăn sâu vào đất canh tác của bà con”, ông Nga than thở.
Không chỉ mất đất do sạt lở, không ít nông dân xã Điện Phong còn điêu đứng bởi hiện tượng bồi lấp trong những năm gần đây. Nhắc đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thắng (Trưởng thôn Tân Thành) nói: “Chỗ bồi lấp thuộc Gò Đình. Đất này nằm về phía bên kia sông và ngoài nông dân thôn Tân Thành, còn có bà con thôn Cẩm Phú, Cẩm Đồng sang trồng trọt. Ước chừng cả chục hecta đất bên đó đã bị bồi lấp bởi cát sông và không còn phục vụ nông nghiệp được. Nếu cứ cái đà vừa hứng cảnh sạt lở, vừa chịu bồi lấp thế này thì chẳng mấy chốc đất ruộng ở đây trở thành sông nước mênh mông”.
Ông Nguyễn Đức Chơi (Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn) cho biết: “Vấn đề sạt lở thì hầu như xã nào nằm dọc ven sông cũng hứng chịu. Thế nhưng, phải thừa nhận xã Điện Phong trong năm vừa qua gặp thiệt hại tương đối nặng bởi vừa mất đất, vừa mất hoa màu. Trước thực trạng này, thị xã đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ 200.000đ/sào cho bà con sau đợt lũ tháng 10/2016. Còn việc người dân cho rằng, sạt lở là do khai thác cát ồ ạt, thì chúng tôi chưa thể khẳng định. Rất có thể do dòng chảy của sông thay đổi, chính là nguyên nhân khiến hàng trăm hộ mất đất canh tác”.
Nhiều người dân địa phương phản ánh, hàng ngày cứ tầm trưa, khoảng 10 tàu cỡ lớn chở cát chạy dọc sông từ phía xã Điện Thọ dọc xuống theo hạ lưu sông Thu Bồn chạy qua Điện Trung và Điện Phong. Tình trạng khai thác cát ở khu vực này quá nhiều, kể cả có phép và không phép. Theo ông Trần Tình, Chủ tịch xã Điện Trung, năm 2016 trên địa bàn xã bị sạt lở bờ sông kéo dài 300m, sạt lở mất 2ha đất, còn những năm qua, xã mất 20ha đất bị trôi xuống dòng sông.
“Trước đây, khi mới xuất hiện dấu hiệu sạt lở, Nhà nước có quyết định xây kè Điện Trung, nhưng sau lại làm cho xã Điện Quang trước, Điện Trung chỉ mới làm được khoảng 300m, bỏ 400m chưa làm. Hơn nữa, do làm đập tràn theo kiểu “dóc võng”, hình chữ U nên nước xoáy vào đây gây sạt lở bờ sông thêm. Đặc biệt, nguyên nhân này còn do tình trạng khai thác cát trên khu vực sông thời gian qua quá nhiều”, ông Trần Tình cho biết.
Theo ông Huỳnh Thanh Thanh, Trưởng Công an xã Điện Trung, năm 2016 và đầu năm 2017, Công an xã phối hợp với xã Điện Phong phát hiện xử lý hơn 10 trường hợp vi phạm khai thác trái phép.
“Cái khó của chúng tôi là biết họ khai thác trái phép đó, nhưng do đêm tối, mình không có ghe, muốn đi phải mượn ghe, nhưng khi ra tới nơi, tàu họ chạy mất tiêu. Còn nếu kiểm tra, họ lách luật, hợp thức hóa bằng một giấy mua bán cát hợp pháp nào đó, chúng tôi cũng chịu, không thể xử phạt được”, ông Thanh chia sẻ.
Được biết, chính quyền xã cũng có cử bên công an giám sát mỏ có phép trên địa bàn, xã cũng được chi lại một phần thuế phí môi trường. Thế nhưng, việc kiểm soát dưới lòng sông cực kỳ khó, vừa ngoài khả năng nghiệp vụ, hơn nữa không thể theo sát mãi được.
Về thực trạng trên, Trung tá Nguyễn Phước Pháp, Đội trưởng Đội Kinh tế - Ma túy- Môi trường (Công an thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho rằng, ở khu vực sông Thu Bồn qua thị xã Điện Bàn chỉ 10km mà có đến 11 mỏ được cấp phép là quá dày. Chưa kể những tàu khai thác trái phép nữa, nên không sạt lở mới là chuyện lạ.
Trung tá Hồ Song Ân, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý khoáng sản, môi trường vẫn còn nhiều bất cập. Hiện vẫn chưa phân định rõ chức năng nhiệm vụ của Phòng Cảnh sát Môi trường và Phòng Cảnh sát Kinh tế quản lý cụ thể lĩnh vực, địa bàn nào.
Ông Bùi Văn Ba, Trưởng phòng Khoáng Sản, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, phân tích: “Dù theo quy hoạch nhưng thực tế diễn biến trên sông khó lường, thiên tai hoặc tác động khách quan, chủ quan gây sạt lở. Việc này chính quyền địa phương cấp xã, phường phải báo cáo, huyện kiểm tra, khi nào vượt quá thẩm quyền, Sở tham mưu cho UBND tỉnh xử lý. Còn khi Sở đi kiểm tra mà cấp nào chưa thực hiện đúng theo quy định, cấp đó chịu trách nhiệm”.
Khi PV đặt câu hỏi về việc người dân phản ánh do nhiều mỏ cát ở khu vực sông Thu Bồn qua thị xã Điện Bàn khiến tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn, ông Bùi Văn Ba thừa nhận có thực tế này từ lâu.
Phương Thảo - Thiên Thanh
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tai-thi-xa-dien-ban-quang-nam-khai-thac-cat-bua-bai-gay-sat-lo-khien-dan-mat-dat-san-xuat-a3413.html