Với tinh thần tương thân tương ái, cộng đồng người dân đã chia sẻ lẫn nhau với nhiều hình thức phong phú như ATM gạo, quán ăn dã chiến, Chợ Nhân đạo, Chợ 0 đồng, 1 triệu suất ăn miễn phí, tặng khẩu trang, nước sát khuẩn... Nhờ vậy có rất nhiều người nghèo, người yếu thế, người khó khăn trong cuộc sống đã được giúp đỡ, không bị đứt bữa.
Các tổ chức, cá nhân cũng đã vận động nguồn lực rất lớn trong nhân dân qua MTTQ, Hội CTĐ Việt Nam, các hội từ thiện, để hỗ trợ lực lượng phòng chống dịch, các y, bác sĩ, nhân viên y tế.
“Lòng nhân ái, nghĩa đồng bào không chỉ thể hiện ở trách nhiệm, tình cảm của lãnh đạo Đảng, Chính phủ mà còn được thể hiện rất cụ thể trong cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân. Hoạt động của các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội quần chúng, các quỹ từ thiện huy động nguồn lực trong doanh nghiệp, nhân dân để giải quyết cấp bách những vấn đề an sinh xã hội trong khi chờ gói hỗ trợ của Chính phủ là bài học rất lớn có thể rút ra từ đại dịch COVID-19. Minh chứng là hơn 2000 tỷ được huy động trong cộng đồng sau 2 tháng MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi hỗ trợ phòng chống dịch bệnh.”- PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu đề nghị Chính phủ cũng cần làm rõ chủ thể nào được phép và không được phép huy động nguồn lực trong dân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tránh trường hợp tổ chức nào, cá nhân nào nếu muốn cũng có thể đứng ra kêu gọi và sử dụng nguồn lực trong dân, nghiên cứu để có một tổ chức đầu mối, đủ khả năng điều phối các nguồn lực vận động xã hội hoá cho công tác nhân đạo, từ thiện.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu đề xuất: Chính phủ thành lập Ủy ban quốc gia về công tác nhân đạo do một Phó thủ tướng làm trưởng ban, thành viên là MTTQ Việt Nam, các bộ, ngành, các tổ chức quần chúng có liên quan đến công tác nhân đạo và thành lập Quỹ nhân đạo quốc gia do Ủy ban quản lý để tập hợp, điều phối các nguồn lực huy động xã hội hóa trong nước và huy động nguồn hỗ trợ của các quỹ nhân đạo quốc tế nhằm tăng nguồn vận động và sử dụng hiệu quả nguồn quỹ.