Những năm trở lại đây, công tác tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ đối với thanh, thiếu niên, học sinh rất được chú trọng và diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, hiện tượng học sinh sử dụng phương tiện cá nhân, nhất là xe máy chưa bảo đảm theo đúng quy định vẫn diễn biến phức tạp; số vụ tai nạn giao thông chưa có dấu hiệu thuyên giảm, để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.
Vừa qua, em T.N.A. học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chở theo bạn học cùng trường, điều khiển xe máy nhãn hiệu Honda Vision không đội mũ bảo hiểm lưu thông trên phố Hai Bà Trưng. Khi phát hiện có lực lượng cảnh sát giao thông, hai học sinh cuống cuồng dừng lại đội mũ bảo hiểm.
Em A. thừa nhận việc mình điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi là sai. T.N.A. cho biết, trước đây em đi xe đạp điện, nhưng sau vài lần xe trục trặc do hết pin giữa đường, gia đình giao luôn xe máy để em đến trường cho thuận tiện. Ðội Cảnh sát giao thông, trật tự đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính với các lỗi: Không có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện có dung tích xi-lanh trên 50 cm3.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số trường trên địa bàn Hà Nội không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh vào giờ đến trường hay tan học tự điều khiển xe máy. Nhiều em trong số đó không đội mũ bảo hiểm, chở ba người, vi phạm nhiều lỗi về an toàn giao thông. Khảo sát tại Trường trung học phổ thông Lương Văn Can, Khu đô thị Nam Trung Yên (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều học sinh đi xe máy có dung tích xi-lanh trên 50 cm3 nhưng không gửi xe tại trường mà chọn bãi trông giữ xe trong khuôn viên của khu nhà tái định cư A6, cách trường khoảng 200m.
Tại đây, khu vực vườn hoa của 4 tòa nhà tái định cư được Ban quản trị các tòa nhà sử dụng làm địa điểm trông giữ xe, trong đó có hẳn một bãi trông giữ riêng cho học sinh Trường trung học phổ thông Lương Văn Can. Hàng chục chiếc xe được gửi tại đây đều là xe có dung tích xi-lanh trên 50 cm3 mà học sinh chưa đủ tuổi điều khiển theo quy định như: SH, Jupiter, Lead, Vision...
Thực tế cho thấy, tình trạng cha mẹ học sinh giao xe máy có dung tích xi-lanh lớn để con điều khiển khi chưa đủ tuổi dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Ðó là trường hợp ông Lê Văn Thơm (SN 1966, trú Gia Lai) vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Ðăk Ðoa, Gia Lai ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Cơ quan này cũng đang hoàn tất hồ sơ, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp truy tố ông liên quan đến việc giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Theo cơ quan công an, ông Thơm đã giao xe máy cho con là L.N.H. (SN 2007, học sinh lớp 10) điều khiển xảy ra va chạm giao thông với xe máy do em H.Ð.N. cầm lái. Hậu quả, em N. tử vong.
Ðáng chú ý là tình trạng học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, không làm chủ tốc độ, “độ, chế” các tính năng của xe để tăng tốc độ khi chạy trên đường; phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật khi lưu thông và không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng quy định dẫn đến chấn thương nặng khi xảy ra tai nạn.
Ðể ngăn ngừa và hạn chế những vụ tai nạn thương tâm, sở giáo dục và đào tạo các địa phương vừa có văn bản gửi các cơ sở giáo dục siết chặt công tác quản lý học sinh đến trường. Ðồng thời, tổ chức cho học sinh ký cam kết không điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền và nhân rộng mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" để học sinh nâng cao hiểu biết pháp luật về an toàn giao thông.
Dưới góc độ quản lý giáo dục, bà Châu Hoài Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Quảng Ninh cho biết: Ðể khắc phục tình trạng nêu trên, mỗi bậc cha mẹ, gia đình cần nhận thức việc giao xe mô-tô, xe gắn máy cho con điều khiển khi chưa đủ độ tuổi theo quy định là vi phạm pháp luật. Vì vậy, trước khi giao xe, cha mẹ cần hướng dẫn con em mình tìm hiểu kỹ về Luật Giao thông đường bộ, các quy định về bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, cách điều khiển phương tiện và xử lý các tình huống phát sinh để bảo đảm an toàn cho chính mình và người khác.
Trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đưa nội dung chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá thi đua…
Nguyễn Ninh
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/can-nang-cao-hieu-biet-phap-luat-ve-an-toan-giao-thong-cho-hoc-sinh-a33979.html