Thời gian vừa qua, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác thu, giảm số tiền chậm đóng, phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
Số người tham gia Bảo hiểm xã hội trên cả nước đạt khoảng 17,311 triệu người, chiếm khoảng 37,2% lực lượng lao động trong độ tuổi; có 91,46 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 92,4% dân số.
Toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam thu đạt 70,4% kế hoạch giao; số tiền chậm đóng chiếm 3,37% số phải thu. Kết quả trên thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm còn rất khó khăn, nặng nề.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố bám sát nội dung tại Công văn số 673-CV/BCSĐ ngày 21/8/2023 của Ban Cán sự Đảng Bảo hiểm xã hội Việt Nam gửi Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố về việc đề nghị tiếp tục phối hợp chỉ đạo thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp để tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các sở, ngành địa phương, xây dựng các giải pháp phù hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm hoàn thành các chỉ tiêu được giao năm 2023 và các năm tiếp theo.
Tham mưu ngay cho UBND tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện các nội dung theo quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; đồng thời, tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế phân công theo dõi, đôn đốc, tổ chức làm việc với các địa phương, đơn vị để kiểm điểm, đánh giá kết quả và triển khai các giải pháp về thu, giảm số tiền chậm đóng và phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố quyết liệt triển khai nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các nội dung theo kịch bản phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Theo đó, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan để nắm bắt thông tin về tình hình thành lập doanh nghiệp mới, hoạt động của các doanh nghiệp, việc sử dụng lao động, chi trả tiền lương và các khoản bổ sung khác theo dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp.
Trên cơ sở đó, phân công cho các phòng chuyên môn, Bảo hiểm xã hội cấp huyện linh hoạt tổ chức các cuộc làm việc với các đơn vị sử dụng lao động (tổ chức hội nghị làm việc với đơn vị theo đúng hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Công văn số 3165/BHXH-TST1) để hướng dẫn, đôn đốc yêu cầu đơn vị đăng ký tham gia và nộp đầy đủ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Phối hợp các cơ quan quản lý đối tượng, UBND cấp xã rà soát, lập đầy đủ danh sách, cấp thẻ Bảo hiểm y tế người tham gia do ngân sách nhà nước đóng. Đặc biệt lập ngay danh sách và cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP.
Phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trích ngân sách hoặc kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí đóng Bảo hiểm y tế cho người tham gia có điều kiện khó khăn.
Bao gồm: Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP; các đối tượng không được ngân sách nhà nước mua thẻ Bảo hiểm y tế do thoát nghèo, thoát khỏi đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên.
Rà soát, cập nhật dữ liệu đối tượng tiềm năng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam gửi qua email của Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố (nhóm: học sinh-sinh viên, người chưa tham gia, dừng tham gia Bảo hiểm xã hội trong độ tuổi lao động; người có độ tuổi từ 60 đến dưới 80 tuổi, người trên 80 tuổi, người hết giá trị sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế) để tuyên truyền vận động, phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng đối với các doanh nghiệp đóng thiếu hoặc chưa đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, doanh nghiệp chậm đóng từ ba tháng trở lên.
Xử phạt đối với các hành vi vi phạm và kịp thời lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với những doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.
Mai Hà