Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước, là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển khoa học - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội.
Nhận thức được những tác động, thách thức và cơ hội của biến đổi khí hậu đối với các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, trong những năm qua, Việt Nam đã sớm tham gia các cơ chế, thỏa thuận liên quan, như Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch… liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể:
Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI coi chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn và quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, theo đó, ứng phó với biến đổi khí hậu phải đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển. Đồng thời, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là nội dung quan trọng trong các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Năm 2020, Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường, trong đó công tác Quản lý Nhà nước về biến đổi khí hậu đã được thể chế toàn diện hơn. Luật đã quy định nội dung và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon. Quy định rõ về kiểm kê khí nhà kính, các lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; quy định về lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch; cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu; báo cáo quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ozon. Đặc biệt, Luật lần đầu tiên chế định về tổ chức và phát triển triển thị trường carbon như là công cụ để thúc đẩy mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện những cam kết của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế.
Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm phát thải khí nhà kính bảo vệ tầng ozon; Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; Nghị quyết số 120/NQ-CP năm 2017 về phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 93/NQ-CP năm 2016 phê duyệt Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC),...
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (Quyết định số 2139/QĐ-TTg); Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020 (Quyết định số 1474/QĐ-TTg); Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (Quyết định số 2053/QĐ-TTg); Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 1670/QĐ-TTg); Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP (Quyết định số 417/QĐ-TTg); phê duyệt Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam (2020); Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1055/QĐ-TTg).
Các bộ, ngành cũng ban hành các chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cho địa phương, một số địa phương đã ban hành bản cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), chức tháng 11/2021 tại Vương quốc Anh đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tham gia Hội nghị và đạt kết quả thành công tốt đẹp. Cụ thể, Việt Nam đưa ra cam kết xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và tham gia nhiều cam kết, sáng kiến như: Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu, Cam kết toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, tham gia Sáng kiến về Liên minh Hành động thích ứng toàn cầu. Sự tham gia tích cực của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu đã nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế, thể hiện tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam về định hướng phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn mới gắn với các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm cao của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, cùng đóng góp vào các mục tiêu chung của nhân loại, phù hợp xu thế phát triển chung của thế giới.
Ngay sau khi Hội nghị kết thúc, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cùng với quy chế làm việc của Tổ công tác.
Tại Hội nghị lần thứ 27 (COP27) diễn ra vào tháng 11/2022, Phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam) dẫn đầu đã tái khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đồng thời bàn về thị trường carbon, chuyển đổi năng lượng... Phái đoàn của Việt Nam đã tham gia nhiều sáng kiến, đặc biệt là các sáng kiến huy động nguồn lực tài chính, các sáng kiến liên quan quá trình chuyển đổi năng lượng. Nhằm thúc đẩy hình thành thị trường carbon tại Việt Nam, phái đoàn Việt Nam triển khai nhiều hoạt động song phương với các tổ chức quốc tế, định chế tài chính và các doanh nghiệp lớn…
Có thể thấy, hiện nay Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế.
Nguyễn Linh