ĐBQH đề nghị nghiên cứu xây dựng, ban hành một luật riêng về biến đổi khí hậu

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tiếp tục diễn biến phức tạp, sâu rộng, cần nghiên cứu, xem xét một cách đầy đủ, toàn diện về việc xây dựng, ban hành một luật riêng về biến đổi khí hậu làm căn cứ pháp lý cao nhất cho tổ chức mọi hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

051120230904-231020230928-1-1699295072.jpegKỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn dự báo

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh cho rằng, những năm gần đây biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn dự báo, gây hậu quả ngày càng lớn. Trong khi đó khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai còn thấp dẫn đến việc nền kinh tế dễ bị tổn thương và chịu thiệt hại lớn khi có thiên tai xảy ra. Mức độ thiên tai những năm gần đây ngày càng khốc liệt, phức tạp, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Riêng trong năm 2023, tính đến ngày 16/9, thiên tai đã làm 102 người chết, mất tích, 85 người bị thương, 571 nhà sập, trên 11 ngàn căn nhà hư hỏng, tốc mái; gần 80 ngàn héc-ta lúa, hoa màu và cây trồng ngập úng, thiệt hại; gần 21 ngàn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Thiệt hại về kinh tế ước trên 5.635 tỉ đồng, tăng so với cùng kỳ 2022 (4.189 tỉ đồng). Đáng lo ngại hơn, biến đổi khí hậu và thiên tai có thể làm chậm lại tiến trình tăng trưởng, lấy đi các thành quả phát triển kinh tế-xã hội, thậm chí có những cộng đồng, hộ gia đình khu vực trọng điểm thiên tai có thể quay trở lại vạch xuất phát.

Như vậy, có thể thấy biến đổi khí hậu và thiên tai đã làm và đang làm chậm quá trình tăng trưởng, “cướp đi” thành quả phát triển kinh tế - xã hội. Ở một số cộng đồng, hộ gia đình khu vực trọng điểm thiên tai có thể coi như “quay lại vạch xuất phát”.

Là một trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đã sớm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa XI) “về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Chủ trương tích cực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như cam kết nỗ lực đồng hành với các nước trên thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu được khẳng định mạnh mẽ trong các văn kiện Đại hội Đảng XI, XII và XIII.

051120230909-z4850125086619-5421040d6bda7709659929576ab3bca4-1699295072.jpegĐại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Ngoài ra, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp Trung ương đến nay đã được ban hành tương đối đầy đủ. Quốc hội đã thông qua nhiều luật có liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Đa dạng Sinh học năm 2018, Luật Phòng chống thiên tai 2013. Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, nghị quyết, quy hoạch liên quan đến biến đổi khí hậu, nổi bật là Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Công tác chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện khá kịp thời, phù hợp, bước đầu mang lại những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, ở cấp địa phương còn nhiều nơi khá lúng túng trong xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về biến đổi khí hậu của địa phương.

Một số địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo về ứng phó biến đổi khí hậu cấp tỉnh nhưng hoạt động còn hạn chế; việc thực hiện chính sách giảm phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính, giám sát và đánh giá hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể.

Đề xuất xây dựng, ban hành một luật riêng về biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tiếp tục diễn biến phức tạp, sâu rộng, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét một cách đầy đủ, toàn diện về việc xây dựng, ban hành một luật riêng về biến đổi khí hậu làm căn cứ pháp lý cao nhất cho tổ chức mọi hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đảm bảo nội luật hóa các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu mà nước ta đã tham gia, thể chế rõ các chủ trương, quan điểm và chiến lược của Đảng, Nhà nước trong ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, kinh nghiệm từ kết quả thực thi các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở trong nước và phương thức, kinh nghiệm hiệu quả của các nước trên thế giới.

Theo đại biểu, việc xây dựng một luật riêng về biến đổi khí hậu là cần thiết, phù hợp với xu thế chung của thế giới, nhất là sau Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nhiều nước trên thế giới đã cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đang tích cực xây dựng dựng văn bản luật về biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, việc xây dựng luật về biến đổi khí hậu cũng khẳng định quyết tâm và cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cũng như thể hiện quan điểm, tầm nhìn của Việt Nam về biến đổi khí hậu, không coi biến đổi khí hậu chỉ là thách thức, mà coi biến đổi khí hậu còn là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng một nền kinh tế các-bon thấp, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần tích cực vào thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển.

Ông Nguyễn Hải Anh cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật chuyên ngành bảo đảm phù hợp với mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu. Ban hành và xây dựng văn bản hướng dẫn lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu vào quá trình xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Sớm hoàn thiện việc ban hành các văn bản hướng dẫn, quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật có đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

TH

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/dbqh-de-nghi-nghien-cuu-xay-dung-ban-hanh-mot-luat-rieng-ve-bien-doi-khi-hau-a33825.html