Chiều 31/10, Quốc hội bắt đầu 1,5 ngày thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, Quốc hội cũng thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6 là giải pháp nhằm tăng năng suất lao động trong thời gian tới. Chia sẻ bên hành lang Quốc hội về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về tăng năng suất lao động xã hội để đảm bảo cải thiện và nâng cao năng suất lao động của Việt Nam trong tương lai.
Phóng viên: Thưa đại biểu, là năm 2023 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp chỉ tiêu “Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội” không đạt kế hoạch. Vậy, đại biểu có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Có thể khẳng định, năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến đầy kịch tính và không mấy thuận lợi cho đất nước, nhiều động lực tăng trưởng chính đã chậm lại, nhưng kinh tế-xã hội của Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khá tích cực, tăng trưởng GDP đạt 4,24% và tăng đều trong các quý (trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới chỉ đạt ở mức thấp), ước cả năm đạt trên 5%; quy mô nền kinh tế của Việt Nam đạt 435 tỉ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế đứng đầu thế giới.
Tuy nhiên, về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội: qua Báo cáo của Chính phủ cho thấy những kết quả tăng trưởng kinh tế xã hội của Việt Nam chưa thực sự mang tính bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tính chống chịu không cao nếu những diễn biến xấu đi. Dự kiến có đến 5 trong số 15 chỉ tiêu sẽ không đạt trong năm 2023 (trong khi năm 2022 là 2 chỉ tiêu). Trong đó, điều hết sức lo ngại đó là năm 2023 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp chỉ tiêu “Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội” không đạt kế hoạch.
Nếu năm 2023, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt mức dự kiến cao nhất (4,76%), thì bình quân 3 năm 2021-2023, tốc độ tăng năng suất lao động nước ta sẽ vào khoảng 4,68%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 là trên 6,5%. Để đạt mục tiêu kế hoạch 2021-2025, thì 2 năm còn lại (2024 và 2025), chúng ta phải đạt bình quân từ 8 đến 8,5% mỗi năm, và đây là một thách thức rất lớn. Ngay trong Kế hoạch năm 2024, Chính phủ cũng chỉ đặt mục tiêu dự kiến tăng năng suất lao động xã hội ở mức từ 4,8-5,3%. Điều đó cho thấy, nếu không có những đột phá căn bản, thì chỉ tiêu này của cả nhiệm kỳ 2021-2025 khó có thể thực hiện được.
Phóng viên: Nâng cao năng suất lao động xã hội không phải là việc có thể thực hiện trong thời gian ngắn. Để hoàn thành chỉ tiêu này của cả nhiệm kỳ 2021-2025, đại biểu có kiến nghị giải pháp cụ thể như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Năng suất lao động xã hội phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất lao động của nền kinh tế, được quyết định bởi những yếu tố có tác động đến quy mô GDP, hàm lượng công nghệ trong sản phẩm tạo ra, số lượng và chất lượng lực lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động xã hội là khâu then chốt, là giải pháp quan trọng hàng đầu và là lộ trình ngắn nhất để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững, bắt kịp trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, nâng cao năng suất lao động xã hội không phải là việc có thể thực hiện trong thời gian ngắn, mà đòi hòi quyết tâm cao, giải pháp toàn diện, xuyên suốt và lâu dài. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về tăng năng suất lao động xã hội để đảm bảo cải thiện và nâng cao năng suất lao động của Việt Nam trong tương lai.
Trong đó có thể cân nhắc một số kinh nghiệm mà nhiều nước đã thực hiện thành công (như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc), bao gồm: Đẩy mạnh và khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học; Cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở thúc đẩy chuyển chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện thể chế để khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước; đồng bộ môi trường pháp lý tạo điều kiện cho tất cả các loại thị trường phát triển và cạnh tranh lành mạnh; Nâng cao hiệu quả giáo dục và đào tạo, dạy nghề; Hoàn thiện thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp, xu hướng chuyển đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực; Quyết liệt cải cách hành chính; Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi về tín dụng, đào tạo, hỗ trợ đầu tư vào đổi mới công nghệ, thực hiện các giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, nghiên cứu phát triển.
Phóng viên: Quốc hội đã hoàn thành 1,5 ngày thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu có đánh giá như thế nào về kết quả phiên thảo luận?
Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tiếp tục tinh thần đổi mới ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội đã diễn ra sôi nổi, trách nhiệm với những ý kiến phát biểu, tranh luận rất thẳng thắn, đúng và trúng, mang tính xây dựng cao. Đồng thời, thể hiện sự tâm huyết của đại biểu Quốc hội với những vấn đề được đông đảo cử tri cả nước quan tâm.
Với không khí thảo luận, tranh luận rất sôi nổi, dân chủ, trên tinh thần xây dựng vì lợi ích nhân dân, các ý kiến của đại biểu thể hiện đa dạng, phong phú, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Qua đó, đã góp phần quan trọng làm sâu sắc, đầy đủ hơn những khó khăn thách thức, đề xuất gợi mở nhiều vấn đề thiết thực để Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp thu thời gian tới.
Bên cạnh đó, một tố quan trọng không thể thiếu giúp phiên thảo luận thành công là vai trò điều hành linh hoạt, khoa học của Chủ tọa đã tạo không khí nghị trường vừa dân chủ, cởi mở, vừa thảo luận được nhiều nội dung vừa đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!