Chiều 18/10, phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) tổ chức sơ kết Dự án trường học hạnh phúc năm học 2022 -2023 và triển khai phương hướng năm học 2023 - 2024.
Tại lễ sơ kết, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, với sự quyết tâm thay đổi một nền giáo dục văn minh - thân thiện - hiện đại, Phòng đã tham mưu UBND quận các giải pháp phát triển giáo dục. Trong đó, lấy kim chỉ nam là mục tiêu xây dựng các trường học trên địa bàn quận trở thành "Trường học hạnh phúc".
Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình việc thực hiện mục tiêu này, đơn vị đã hợp tác với doanh nghiệp xã hội ELI vì hạnh phúc và an lạc (Hiệp hội giáo dục Eurasia – Thụy Sỹ) nhằm đưa mô hình “Trường học hạnh phúc” về các trường học trên địa bàn quận. Qua đó, kiến tạo nên một hướng đi mới trong tương lai với các trường học không chỉ là trường học mà thực sự trở thành ngôi nhà thứ 2 của các em học sinh.
Dự án thí điểm năm đầu tiên đã được triển khai bắt đầu từ tháng 8/2022 (năm học 2022 -2023) với việc tập huấn và nâng cao năng lực, tri thức và thực hành về giáo dục cảm xúc xã hội cho nhóm giáo viên nòng cốt tại 3 trường (Tiểu học Phan Chu Trinh, THCS Nguyễn Trãi và Tiểu học - THCS - THPT Thực Nghiệm Khoa học giáo dục).
Năm học khép lại với sự quan tâm chỉ đạo của quận, sự nỗ lực và tâm huyết của đội ngũ điều phối ELI tại Hà Nội, sự hưởng ứng, đồng lòng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nòng cốt các trường giai đoạn 1, đã đạt được những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Các nhà trường đã nhìn thấy sự chuyển hoá ở nhiều thầy, cô tham gia tập huấn và những thay đổi tích cực trong cộng đồng các nhà trường tham gia dự án.
Nhìn lại 1 năm triển khai dự án "Trường học hạnh phúc", cô Nguyễn Loan - giáo viên Giáo dục công dân (Trường Tiểu học - THCS - THPT Thực Nghiệm) bày tỏ, cảm nhận học sinh chạm tới mình và ngược lại khi học trò yêu thích môn học.
"Mai là tiết dạy của cô, chúng em rất mong đến tiết học của cô...là giáo viên môn Giáo dục công dân, thường được cho là khô khan, bản thân tôi rất xúc động khi học trò bày tỏ yêu thích môn học, tôi cảm thấy hạnh phúc...", cô Loan chia sẻ.
Còn cô Nguyễn Thị Hạnh - giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi nhớ lại lời cảm ơn "đặc biệt" từ học sinh "con cảm ơn cô vì cô con đã được ngủ trưa". "Đó là một học trò lớp 6, chưa bao giờ ngủ trưa ở tiểu học đã thay đổi khi tiếp xúc với tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi mình đem đến thói quen tốt, cảm xúc được chia sẻ, đồng cảm với học trò...", cô Hạnh bộc bạch.
Ngoài công tác chuyên môn với cô Nguyễn Thị Huyền - giáo viên Trường Tiểu học Phan Chu Trinh là niềm vui về thói quen học tập và gắn kết với phụ huynh học sinh. Cô Huyền cho biết, có học sinh hay quên vở bày tập đến nay đã khắc phục và không tái phạm vì lợi dặn dò của cô. "Cô hiểu và chia sẻ với con khi con quên vở nhưng phải chú ý nghe giảng, chép lại bài và lần sau không quên nữa...Từ đó không có học sinh quên mang đồ dùng học tập...", cô Huyền chia sẻ.
Theo nữ giáo viên, khi áp dụng phương pháp được tập huấn về Trường học hạnh phúc đến với học trò giúp các em được tiếp cận và trao nhiều hơn cơ hội được khẳng định bản thân, được tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ. Qua đó, học sinh trở nên tự tin và mạnh dạn hơn trong học tập và rèn luyện.
Với phụ huynh học sinh đã có sự kết nối nhiều hơn với nhà trường, có cơ hội để chia sẻ, trao đổi và cảm nhận về sự chuyển biến tích cực trong nền giáo dục. "Có lần họp phụ huynh, số lượng đến đông gần gấp đôi sĩ số lớp vì cả bố mẹ học sinh đều có mặt để lắng nghe triển khai công tác học tập, rèn luyện của con em mình...", cô Huyền chia sẻ thêm.
Được biết, năm học 2023 -2024, tiếp tục triển khai thí điểm Dự án trường học hạnh phúc tại các trường (THCS Thống Nhất, THCS Phúc Xá. Tiểu học Thành Công A và Tiểu học Việt Nam - Cu Ba).
Mạnh Linh
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/qua-ngot-tu-thi-diem-du-an-truong-hoc-hanh-phuc-o-thu-do-a33594.html