Lễ trao giải sẽ diễn ra tại Tòa thị chính Oslo vào ngày 10/12, trùng với ngày mất của nhà phát minh, nhà khoa học Alfred Nobel.
Theo Hãng tin Reuters, bà Mohammadi là một trong những nhà hoạt động nhân quyền hàng đầu của Iran. Bà đã đấu tranh chống lại sự áp bức phụ nữ và cuộc đấu tranh nhằm thúc đẩy nhân quyền và tự do cho tất cả mọi người.
Bà Mohammadi là người phụ nữ thứ 19 giành được giải thưởng 122 năm tuổi này và là người phụ nữ Iran thứ 2 giành giải thưởng danh giá này.
Nobel là giải thưởng quốc tế do Quỹ Nobel tại Stockholm lập ra từ năm 1901 dựa trên tài sản của Alfred Nobel, nhà phát minh kiêm doanh nhân Thụy Điển. Giải thưởng được trao thường niên cho những cá nhân và tổ chức có cống hiến nổi bật trong các lĩnh vực Y học, Hóa học, Vật lý, Văn học, Hòa bình. Năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập ra Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho Khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel, còn gọi là giải Nobel Kinh tế.
Mỗi giải thưởng gồm huy chương, bằng chứng nhận cá nhân và một khoản tiền thưởng.
Từ năm 1901 đến năm 2022, đã có 103 giải Nobel Hòa bình được trao. Tổng cộng có cho 110 cá nhân và 27 tổ chức đã được nhận giải thưởng này. Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế được trao giải Nobel Hòa bình 3 lần (vào các năm 1917, 1944 và 1963) và Văn phòng cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn được trao giải 2 lần (vào năm 1954 và 1981).
Giải Nobel Hòa bình năm 2022 được trao cho nhà hoạt động nhân quyền Belarus Ales Bialiatski, tổ chức nhân quyền Nga Memorial và tổ chức nhân quyền Ukraine Center for Civil Liberties, vì các đóng góp trong vấn đề nhân quyền. Năm 2021, giải Nobel Hòa bình được trao cho hai nhà báo Maria Ressa (Philippines) và Dmitry Muratov (Nga) vì nỗ lực bảo vệ tự do ngôn luận.
Trước thềm trao giải Nobel Hòa bình năm nay, các ứng viên sáng giá gồm có: các nhà hoạt động vì nữ quyền Narges Mohammadi (Iran) và Mahbouba Seraj (Afghanistan); các nhà hoạt động vì cộng đồng bản địa Victoria Tauli-Corpuz, đến từ nhóm người thổ dân bản địa Kankanaey Igorot ở vùng núi phía Bắc Philippines và Juan Carlos Jintiach thuộc tộc người Shuar ở Ecuador. Danh sách ứng viên rút gọn cho giải Nobel Hòa bình năm nay còn có Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) và Nhóm Phân tích Dữ liệu Nhân quyền (HRDAG), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ.
Thu Hằng
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/giai-nobel-hoa-binh-2023-duoc-trao-cho-nha-hoat-dong-nu-quyen-iran-a33445.html