Ngày hội Văn hoá - Chợ tình Phong lưu huyện Bảo Lạc năm 2023 là một chương trình văn hóa nghệ thuật quần chúng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhằm tiếp tục giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và các giá trị di sản văn hóa các dân tộc của địa phương trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.
Chợ Tình Phong Lưu có 2 phiên/năm, diễn ra ngày 30/3 và 15/8 âm lịch. Trai, gái đến Chợ Tình sẽ giao lưu, hát giao duyên. Trong đó, trai, gái dân tộc Tày sẽ đối đáp bằng giai điệu lượn cọi và trao khăn, giày vải. Trai, gái dân tộc Nùng hát đối đáp bằng điệu Nàng ới. Trai, gái dân tộc Sán Chỉ hát đối đáp giao duyên tìm bạn. Trai, gái dân tộc Mông hát đối đáp và múa khèn. Dân tộc Dao đỏ có tục giật khăn.
Thông qua các hoạt động Chợ Tình, nam, nữ giao duyên, tìm hiểu và nhiều cặp đôi đã nên duyên. Do quá trình phát triển, hoạt động Chợ Tình Phong Lưu đã mai một.
Do vậy, ngày hội được tổ chức hàng năm nhằm tái hiện những giá trị cuộc sống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển những chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, ca ngợi tình yêu đôi lứa mang đậm tính nhân văn cao đẹp của đồng bào các dân tộc; là dịp để các Nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, phát huy tinh thần đoàn kết các dân tộc và góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn huyện.
Thông qua đó cũng góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 02 -NQ/HU ngày 22/10/2020 của Huyện ủy Bảo Lạc khóa XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về thực hiện nội dung đột phá “Phát triển dịch vụ - du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bảo Lạc giai đoạn 2021 - 2025".
Được biết, Bảo Lạc là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm Thành phố Cao Bằng 130 km về hướng Tây Nam (theo đường quốc lộ 34).
Huyện Bảo Lạc có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển, khai thác các loại hình dịch vụ - du lịch: Du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm; Du lịch mạo hiểm; du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng. Có nhiều di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh như: Đồn Đồng Mu (xã Xuân Trường); Di tích lịch sử Trông Nhìa Hậu ( xã Hồng An); Chùa Vân An, Miếu Quan Đế (Thị trấn)…Huyện Bảo Lạc được thiên nhiên ưu đãi có nhiều cảnh quan, danh thắng như núi Phja Dạ (xã Sơn Lập) cao 1.987m so với mặt nước biển; Dốc 15 tầng Khau Cốc Chà, Hồ Thôm Lốm (xã Xuân Trường); Hồ thủy điện xã Bảo Toàn; có mạng lưới hang động lớn, nhỏ trong lòng các dãy núi như: Lũng Nà, (xã Thượng Hà), Lũng Rì (xã Khánh Xuân)…
Trong những năm qua, phát triển dịch vụ - dịch vụ trở thành cơ cấu kinh tế quan trọng của huyện góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. Du lịch Bảo Lạc được quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng và được giới thiệu là điểm du lịch hấp dẫn với nhiều điều lý thú. Huyện tổ chức Lễ khai trương Chợ đêm Thị trấn Bảo Lạc với các hoạt động văn hóa văn nghệ, ẩm thực, các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc; cùng những sự kiện văn hóa nổi bật của địa phương đã thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm tại Bảo Lạc trong những năm qua.
Dự kiến đến năm 2025, phát triển hạ tầng dịch vụ - du lịch sẽ trở thành cơ cấu kinh tế quan trọng của huyện góp phần thức đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng dịch vụ - du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa, dân tộc của huyện. Đồng thời, phát triển du lịch Bảo Lạc trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ nghiêm ngặt các giá trị cảnh quan, tài nguyên và văn hóa; Phát triển dịch vụ - du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập xã hội của huyện.
Trong thời gian tới để đạt được những bước đột phá nhằm “Phát triển dịch vụ - du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bảo Lạc giai đoạn 2021 - 2025", huyện Bảo Lộc hướng tới một số nội dung như sau:
Một là, phát triển dịch vụ - du lịch trong đó có, trong đó: Phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm, du lịch mạo hiểm; Phát triển du lịch ngắm cảnh, du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch lịch sử tâm linh tại xã Xuân Trường, Kim Cúc; Phát triển Thị trấn Bảo Lạc thành trung tâm dịch vụ - du lịch của huyện; Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao, khu vui chơi giải trí.
Hai là, Phát triển nguồn nhân lực phục vụ trong ngành du lịch: Đào tạo nâng cao trình độ và năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý du lịch cấp huyện và cơ sở; Tổ chức đào tạo tập huấn nhằm năng cao kỹ năng phục vụ du lịch cho các hộ cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng; Hỗ trợ tổ chức các chương trình tham quan học tập mô hình du lịch cộng đồng trong và ngoài tỉnh...
Ba là, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trong đó chú trọng: Bảo tồn các không gian văn hóa làng, bản truyền thống, Bảo tồn và khôi phục các lễ hội truyền thống của địa phương, Thành lập các đội văn nghệ quần chúng; câu lạc bộ hát các làn điệu dân ca; lượn cọi, nàng ới, phong sư.
Bốn là, công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch huyện Bảo Lạc: Tổ chức Hội thảo về phát triển du lịch Bảo Lạc, Tổ chức các cuộc thi chụp ảnh, tìm kiếm các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá của Huyện; Tổ chức cuộc thi sáng tác biểu tượng và khẩu hiệu (logo & slogan) cho du lịch Bảo Lạc.
Mạnh Linh
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/dac-sac-cho-tinh-phong-luu-huyen-bao-lac-luu-giu-gia-tri-phat-huy-ban-sac-dan-toc-a33340.html