Chưa đến 7 giờ, quán cơm chay 5.000 đồng ở thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành (Kiên Giang) đã có hơn chục người đến ăn. Đa phần những thực khách đến quán đều là người bán vé số và công nhân lao động có thu nhập thấp.
Giữa nhiều người đang dùng bữa sáng tại đây, cụ Nguyễn Văn Hai (79 tuổi, ở thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành) ăn vội tô bún riêu chay để vững bụng cho công việc mưu sinh ngày mới. Cụ cho biết làm nghề bán vé số gần 20 năm qua. “Hơn 3 năm nay, từ khi quán cơm chay mở bán đến nay, tôi ăn đều đặn ngày hai bữa. Có khi ăn sáng rồi, tôi mua luôn hộp cơm để dành ăn trưa. Hộp cơm, hủ tiếu, bún riêu chay đều có giá 5.000 đồng nhưng ăn no và ngon lắm, có đậu hũ, chả chay, khổ qua hầm, đậu đũa,… Nhờ ăn quán này, tôi đỡ tốn tiền. Mỗi ngày bán xong cất vào được năm chục, bảy chục ngàn đồng, chứ nếu ăn ngoài quán khác, không tích lũy được đâu”, cụ Hai nói.
Cùng với quán cơm chay 5.000 đồng ở thị trấn Minh Lương, Hội Chữ thập đỏ Vòng tay nhân ái còn lập thêm một quán ở phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá. Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Vòng tay nhân ái, lý do Hội mở thêm chi nhánh là vì khu vực này có rất nhiều người bán vé số, người nghèo và những công nhân lao động có thu nhập thấp.
“Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo, tôi ở với con trai làm nghề thợ hồ. Sáng đi tối về, tôi cũng không làm đồ ăn sáng, nấu cơm trưa. Nhờ có quán cơm chay 5.000 đồng, sáng tôi ra đây ăn tô bún hay tô hủ tiếu chay. Trưa ghé nhận hộp cơm đem về ăn, hoặc ăn tại quán. Tôi thấy ấm lòng lắm”, bà Thạch Thị Lan, phường Rạch Sỏi bày tỏ.
Ở Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, quán cơm 0 đồng phát mỗi ngày từ 1.400 đến 1.700 suất. Nơi đây trở thành điểm tựa của rất nhiều bệnh nhân và người thân theo nuôi người bệnh. Đây cũng là quán cơm được Hội Chữ thập đỏ Vòng tay nhân ái thành lập và đi vào hoạt động nhiều năm qua.
Cứ mỗi buổi trưa khoảng 10 giờ30, và chiều khoảng 16 giờ 30, hàng trăm người đến đây xếp hàng để chờ nhận cơm và thức ăn. Dù có khá đông người, nhưng khung cảnh của các buổi phát cơm diễn ra trong trật tự và ngăn nắp.
“Tôi ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh nuôi con bị mổ ruột thừa 5 ngày rồi. Gia đình tôi thuộc diện khó khăn. Mấy ngày qua, tôi đến quán cơm 0 đồng này để nhận 4 suất cơm vào buổi trưa, buổi chiều và nhận hai phần cháo ăn buổi sáng. Đồ ăn thường là thịt heo, cá lóc, cá biển, canh rau… ngon miệng lắm. Nhờ những suất cơm miễn phí, mẹ con tôi đỡ tốn mỗi ngày khoảng 150.000 đồng”, bà Phạm Thị Thảo, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) chia sẻ.
Theo Hội Chữ thập đỏ Vòng tay nhân ái, hiện tại cả hai quán cơm chay 5.000 đồng và quán cơm 0 đồng trung bình mỗi ngày cung cấp trên 2.500 suất. Quán cơm 0 đồng phục vụ cho người bệnh, người nghèo khó khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh khoảng 1.500 suất. Hằng ngày có từ 10 đến 15 tình nguyện viên phụ bếp và quán ăn.
Bà Trương Thị Kim Anh, tình nguyện viên đến từ huyện An Biên cho biết, gia đình không khá giả gì, nhưng với mong muốn góp công sức để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn có được những suất cơm miễn phí, bà đã dành từ 10 đến 15 ngày mỗi tháng để phụ với Hội Chữ thập đỏ Vòng tay nhân ái.
“Người giàu, khá giúp rau củ quả, hay tiền để mua đồ nấu ăn. Tôi không giúp được vật chất thì góp công. Lớn tuổi rồi, ở nhà, tôi cũng ăn rồi nằm ngủ nghỉ, đi nấu ăn từ thiện thấy vui trong lòng”, bà Trương Thị Kim Anh cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Hữu Tín, muốn duy trì bếp ăn, Hội phải bán cơm chay giá thấp để vừa phục vụ cho những người khó khăn, vừa có một phần kinh phí góp đầu tư cho quán cơm 0 đồng tại bệnh viện.
“Chúng tôi còn vận động các hàng bán rau củ, quả ủng hộ thêm để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu. Một số nhà hảo tâm cũng đóng góp để các quán cơm được duy trì dài lâu. Tôi rất cảm ơn các tình nguyện viên, có những cô lớn tuổi, ở xa nhưng vẫn đến phụ giúp các công việc từ sơ chế nguyên liệu, chế biến thức ăn, dọn dẹp vệ sinh đến vận chuyển, phát thức ăn đến bà con”, ông Nguyễn Hữu Tín chia sẻ.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang cho biết, Hội Chữ thập đỏ Vòng tay nhân ái từ khi thành lập đến nay đã đóng góp rất lớn cho công tác nhân đạo xã hội, góp phần cùng chính quyền địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội. Riêng trong 5 năm qua, cơ sở đã vận động nguồn lực trên 5,8 tỷ đồng, trong đó hoạt động của bếp cơm nhân đạo trên 3,3 tỷ đồng, còn lại là các hoạt động trao tặng quà như: gạo, mì, nhu yếu phẩm cho hộ nghèo; xe đạp, tập sách cho học sinh; khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo… ở một số huyện, thành phố trong tỉnh.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/am-long-nguoi-ngheo-tu-nhung-quan-com-nghia-tinh-a33237.html