Hành trình hiến máu tình nguyện của thầy Khoa bắt đầu từ năm 2018. Chia sẻ về lần hiến máu đầu tiên, thầy Khoa cho biết, lúc đầu anh cũng hơi sợ nhưng được sự động viên của anh trai và bạn bè, anh quyết tâm tham gia hiến máu cứu người.
Từ đó đến nay, thầy Khoa đã 42 lần hiến máu và luôn là một trong những người đi đầu trong phong trào này ở địa phương.
“Thời sinh viên, tôi đã từng nghĩ đến hiến máu tình nguyện nhưng lúc đó thấy bản thân gầy gò, ốm yếu quá nên lại thôi. Sau này, thấy anh trai đi hiến máu về mạnh khỏe nên tôi quyết định đi hiến máu. Đặc biệt, trong một lần hiến máu, tôi biết được trường hợp nhận là một cháu bé bị bệnh tan máu bẩm sinh, mỗi tháng cháu phải truyền máu 1 - 2 lần để duy trì sự sống. Thế rồi chỉ mấy tháng sau, tôi lại nhận được thông tin cháu qua đời. Điều này đã thôi thúc bản thân tôi phải hiến máu, bởi với mình chỉ là cho đi một chút máu nhưng đối với người cần thì đó là cả tính mạng”, thầy Khoa chia sẻ.
Theo thầy Khoa, trong số 42 lần hiến máu, có 2 lần anh hiến máu toàn phần, còn lại là hiến tiểu cầu. Khác với hiến máu toàn phần chỉ mất từ 5 - 10 phút, hiến tiểu cầu thường kéo dài hơn 1 giờ. Để có thể hiến tiểu cầu thuận lợi, tĩnh mạch của người hiến phải có kích thước phù hợp. “Hiến tiểu cầu chỉ có thể hiến khi có ca cấp cứu, tình trạng bệnh nhân đang nguy kịch. Hiến máu toàn phần phải sau ít nhất 12 tuần mới có thể hiến lại, nhưng hiến tiểu cầu chỉ cần 4 tuần. Đó cũng chính là lý do phần lớn số lần hiến máu, tôi chọn hiến tiểu cầu”, thầy Khoa cho biết.
Là giáo viên công tác tại huyện miền núi Ba Tơ nên mỗi lần biết tin có người nguy kịch đang cần tiểu cầu, ngoài việc phải sắp xếp công việc, thầy Khoa còn phải di chuyển bằng xe máy vượt qua quãng đường dài hơn 60 km xuống thành phố Quảng Ngãi. Theo thầy Khoa, chỉ cần chậm một giây cũng sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của người khác. Do đó, khi nhận được thông tin có người cần, anh phải tranh thủ đi sớm nhất nhất có thể.
Ngoài ra, thầy Khoa còn tích cực vận động bạn bè, người thân và đồng nghiệp cùng tham gia hiến máu. Đối với học sinh, những em đủ 18 tuổi, sức khỏe tốt, có đơn tình nguyện và được phụ huynh cho phép cũng được thầy khuyến khích tham gia phong trào. Trong vai trò là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của Trường Trung học Phổ thông Ba Tơ, thầy Khoa là người đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức các phong trào hoạt động thiện nguyện giúp đỡ các học sinh nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Huỳnh Thị Mi Ni, vợ của thầy Khoa cho hay, ban đầu, thấy anh Khoa hiến máu nhiều chị cũng lo lắng, sợ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, sau mỗi lần hiến máu thấy anh vẫn mạnh khỏe nên gia đình yên tâm. Được sự vận động của chồng, chị đã mạnh dạn hiến máu được 2 lần và sẽ tiếp tục tham gia hoạt động ý nghĩa này.
Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Ba Tơ Nguyễn Thị Thành cho biết, thầy Đào Nhật Khoa là một giáo viên trẻ giỏi về chuyên môn, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; nhiệt huyết với các phong trào thiện nguyện. Nhờ sự tuyên truyền, vận động của thầy Khoa, nhiều cán bộ, giáo viên của trường đã tham gia hiến máu tình nguyện nhiều lần. Ban giám hiệu nhà trường luôn ủng hộ và tạo điều kiện để thầy Khoa thực hiện việc làm ý nghĩa này.
Với những cố gắng, lòng nhiệt thành, thầy giáo Đào Nhật Khoa nhiều lần được nhận Bằng khen của các cấp Hội Chữ thập đỏ về thành tích trong phong trào Chữ thập đỏ, đạt các danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, giáo viên trẻ tiêu biểu cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Giấy khen của Công đoàn ngành Giáo dục... Đặc biệt, thầy đã 2 lần được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua dạy học và hiến máu tình nguyện.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/thay-giao-tre-vung-cao-42-lan-hien-mau-cuu-nguoi-a33222.html