Sáng nay 15/9, tại Hà Nội, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia dưới sự chủ trì của bà Emma Tangi Muteka, Nghị sĩ Namibia, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chào mừng các đại biểu dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tổ chức tại Hà Nội - thành phố vì hòa bình, Thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam.
Việt Nam tham gia chủ động và trách nhiệm
Ông cho biết, Việt Nam đề xuất sáng kiến và rất vinh dự, tự hào được Liên minh nghị viện thế giới (IPU) chọn là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.
Tiếp nối thành công của Đại hội đồng IPU-132 (năm 2015), Hội nghị APPF lần thứ 26 (năm 2018) và Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 (năm 2020), việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần này tiếp tục khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam trong IPU; đồng thời cho thấy sự ưu tiên, quan tâm của Việt Nam đối với thanh niên và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay.
Thông tin tới đại biểu, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau 37 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, từ năm 1986, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện và có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã đạt được kỳ tích trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, là điểm sáng trong thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ và Chương trình nghị sự phát triển bền vững SDGs đến năm 2030 của Liên hợp quốc, đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tăng trưởng kinh tế đạt mức cao khoảng 6%/năm. Quy mô GDP năm 2022 theo giá hiện hành đứng thứ 38 trên thế giới, nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), theo IMF, xếp thứ 10 châu Á và đứng thứ 24 trên thế giới.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt gần 735 tỷ USD, nằm trong Top 20 quốc gia có kim ngạch ngoại thương lớn nhất toàn cầu. Việt Nam cũng rất thành công trong thu hút FDI, đến nay đã có hơn 37.000 dự án đầu tư từ 143 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký gần 450 tỷ USD.
Biến cố khó lường xoá đi nhiều thành quả giảm nghèo
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, chúng ta bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ 21 với vô vàn biến cố khó lường. Lần đầu tiên, cả thế giới trải qua một đại dịch Covid-19 với quy mô chưa từng có, tổn thất vượt xa mọi dự đoán.
“Có thể nói, chưa bao giờ môi trường chính trị, kinh tế và an ninh quốc tế lại đứng trước đồng thời nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay” – ông Vương Đình Huệ nói.
Tác động dai dẳng, phức tạp của đại dịch, cộng hưởng với những căng thẳng, xung đột địa chính trị; cạnh tranh, phân tách chiến lược, những chao đảo, bất ổn của thị trường lương thực, năng lượng, tài chính - tiền tệ, sự sụt giảm đầu tư, đứt gãy của các chuỗi cung ứng… đã xóa đi nhiều thành quả giảm nghèo, phát triển của hàng thập kỷ qua và đang gây ra nhiều khó khăn to lớn, đa chiều, cả trước mắt và dài hạn đối với nhiều nước trên thế giới; việc thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững SDGs của Liên hợp quốc đang bị chậm lại, khó hoàn thành các mục tiêu.
Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đang trực tiếp ảnh hưởng đến người dân, an ninh và phát triển của mọi quốc gia.
“Nhưng chúng ta vẫn có quyền lạc quan và hy vọng về tương lai. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là dòng chảy, là xu thế lớn. Thế giới đã vượt qua đại dịch Covid-19. Dịch bệnh không làm chúng ta sụp đổ mà khiến chúng ta càng đoàn kết và mạnh mẽ hơn” –ông Vương Đình Huệ khẳng định.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo đang được thúc đẩy lan tỏa sâu rộng. Trong khi toàn cầu hóa gặp khó khăn thì hàng loạt các sáng kiến liên kết, hợp tác kinh tế mới ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu tiếp tục được đẩy nhanh.
“Thế giới không có chiến tranh, nhân loại không còn đói nghèo là điều mong mỏi, là mẫu số chung của các nỗ lực hợp tác toàn cầu” – ông bày tỏ.
Tuổi trẻ gánh vác trách nhiệm lịch sử
Tại hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận để làm rõ cần làm gì và làm như thế nào để tuân thủ và bảo đảm luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, là điều kiện then chốt, để giữ gìn và vun đắp hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Thứ hai là vai trò của các nước phát triển, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và giới trẻ trong giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu như: chuyển đổi số bền vững và an toàn; chuyển đổi năng lượng công bằng, thích ứng với biến đổi khí hậu và lan tỏa mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, để người dân và doanh nghiệp thực sự là trung tâm của mọi quyết sách trong quá trình phát triển, vừa là mục tiêu, vừa là động lực và là nguồn lực căn bản trong mọi nguồn lực, chúng ta cần tiếp tục làm gì và làm như thế nào trong việc hoạch định, thực thi pháp luật và tổ chức hành động hướng tới hạnh phúc của người dân.
Thứ tư, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững, thúc đẩy tôn trọng sự đa dạng văn hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thắt chặt sự hợp tác trong đổi mới phương cách vận hành nền kinh tế, tăng mạnh năng suất lao động, tạo các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời, giúp các cơ quan nhà nước hoạt động ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn trên lộ trình số hóa, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và đảm bảo chủ quyền quốc gia cũng như quyền riêng tư cá nhân trên không gian mạng.
Và thứ năm, ông đề nghị IPU nghiên cứu thiết lập mạng lưới các nghị sĩ trẻ toàn cầu về đổi mới sáng tạo để cùng nhau trao đổi và học tập kinh nghiệm lẫn nhau.
“Tuổi trẻ, thanh niên chính là lực lượng gánh vác sứ mệnh, trách nhiệm lịch sử trong công cuộc hội nhập và phát triển ở mỗi quốc gia và sự thịnh vượng chung của thế giới” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và bày tỏ tin tưởng mỗi nghị sĩ trẻ đến từ các nghị viện thành viên sẽ phát huy trí tuệ, sức trẻ, sáng tạo, trách nhiệm và lòng nhiệt huyết để đóng góp tích cực cho thành công của hội nghị.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/chu-tich-quoc-hoi-tuoi-tre-ganh-vac-trach-nhiem-lich-su-a33195.html