Tại đây, Phó Thủ tướng đã thăm hỏi, chia buồn sâu sắc với thân nhân các gia đình có người bị nạn, bị thiệt hại trong trận lũ ống; động viên bà con cùng với lực lượng hỗ trợ nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất sau thiên tai.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến 11h sáng 13/9, tổng thiệt hại tại các huyện Văn Bàn, Bát Xát, thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai ước khoảng hơn 250 tỷ đồng; có 4 người chết, 5 người mất tích và 5 người bị thương do mưa lũ.
Cụ thể, xã Liên Minh (thị xã Sa Pa) có 3 người chết, 4 người mất tích, 5 người bị thương; xã Làng Giàng (huyện Văn Bàn) có 1 người chết; xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát) có 1 người mất tích.
Tỉnh Lào Cai đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, đồng thời huy động khoảng 300 người tham gia tìm kiếm, cứu nạn; cử đoàn công tác của tỉnh trực tiếp đến chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, cùng với các sở, ban, ngành, mặt trận tổ quốc... đến hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn nạn nhân mất tích, khắc phục thiệt hại, thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Sa Pa huy động lực lượng tại chỗ, công an, quân sự, người dân tổ chức tìm kiếm cứu nạn nạn nhân bị mất tích, triển khai công tác ứng phó, khắc phục và tìm kiếm người mất tích.
Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tỉnh đã chỉ đạo đơn vị bảo trì đường bộ thực hiện công tác khắc phục, dọn sạt lở mái taluy, đất bùn tràn trên mặt đường; khơi thông hệ thống thoát nước đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.
Đối với những người bị thương, UBND thị xã Sa Pa đã chỉ đạo lực lượng y tế sơ cứu để xác định tình hình và có biện pháp chuyển tuyến trên điều trị kịp thời.
Trong cuộc họp nhanh tại hiện trường xảy ra trận lũ ống ở Nậm Cang, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị tỉnh Lào Cai tiếp tục huy động lực lượng tập trung tìm kiếm những người còn đang bị mất tích, cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị nạn, hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, khó khăn.
Cùng với công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, tỉnh Lào Cai cần nghiên cứu, đề xuất với Trung ương phương án hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai, nhất là các hộ nuôi cá tầm, cá hồi. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm nghiên cứu các khu vực thường xuyên bị thiên tai, đưa ra cảnh báo sớm cho người dân và chính quyền các địa phương để sớm có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý tỉnh Lào Cai cần xem xét về quy hoạch xây dựng các thủy điện, công tác bảo vệ rừng để hạn chế lũ ống, lũ quét xảy ra khi có mưa lớn cục bộ trong thời gian ngắn.
Tỉnh nghiên cứu về quy hoạch dân cư, có các khuyến cáo với người dân sinh sống ở gần các sông, suối, nhất là ở các địa phương vùng cao, có địa hình dốc có các biện pháp phòng ngừa với thiên tai để hạn chế tổn thất về người và vật chất. Đồng thời, địa phương thường xuyên kiểm tra các suối trong mùa mưa lũ, sớm phát hiện vật cản dòng chảy để cảnh báo sớm cho người dân phòng ngừa.
Trước đó, sáng 13/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký Công điện số 797/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả lũ quét tại Lào Cai và chủ động ứng phó mưa lũ ở miền núi, trung du Bắc Bộ.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai và các địa phương khác, huy động lực lượng tập trung tìm kiếm những người còn đang bị mất tích, cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị nạn, hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, khó khăn.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, trong đó tiếp tục tổ chức rà soát, di dời, sơ tán ngay người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu; bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống sau thiên tai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức dự báo, cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, không để xảy ra lũ nhân tạo, lũ quét do ảnh hưởng của hồ đập.
Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Quốc phòng, Công an chủ động chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu.
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai./.
Minh Khôi
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-thi-sat-chi-dao-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-tai-lao-cai-a33177.html