Thành phố Hà Tĩnh: Nâng cao hiệu quả xử lý rác thải nhựa

Dân số phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, khối lượng rác thải nhựa phát sinh trong cộng đồng rất lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Tại thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), với sự hỗ trợ tích cực từ các chương trình dự án, đặc biệt là ý thức của người dân được nâng lên, việc chống rác thải nhựa đang được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Thay đổi thói quen

Những năm trước đây, việc sử dụng đồ nhựa, túi nilon trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh diễn ra khá phổ biến. Điều đó tuy mang lại tiện ích cho mỗi người, nhưng thói quen sử dụng đồ nhựa một lần rồi vứt bỏ đã gây nên nhiều hệ lụy với môi sinh, môi trường, thậm chí gây nguy hại cho sức khỏe của người sử dụng. Bởi rác thải nhựa sau khi sử dụng nếu không được thu gom, xử lý đúng quy trình thì rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên.

Ghi nhận thực tế cho thấy do thói quen sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt là với chị em phụ nữ mỗi lần đi chợ thường sử dụng chai lọ, túi nilon để tiện mua hàng hóa. Trong khi đó không phải ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường, phòng ngừa tác hại của rác thải nhựa. Đây được cho là nguyên nhân chính dẫn đến rác thải nhựa phát sinh khó kiểm soát. Lâu ngày rác thải nhựa tồn động, ùn ứ với khối lượng lớn gây khó khăn trong việc xử lý hoặc xử lý khó triệt để, ảnh hưởng đến phong trào chung tay chống rác thải nhựa.

“Trước đây mỗi lần đi chợ tôi chỉ sử dụng túi nilon để mua hàng. Vậy nhưng, sau khi được các cấp hội phụ nữ tuyên truyền, vận động phòng ngừa ô nhiễm rác thải nhựa, tôi và nhiều chị trong tổ dân phố đã xách giỏ đi chợ. Mỗi lần như thế ít nhất mỗi gia đình cũng hạn chế sử dụng từ 5-7 túi ni lon, góp phần giảm áp lực về rác thải nhựa”, chị Nguyễn Thị Vân ở phường Hà Huy Tập - thành phố Hà Tĩnh chia sẻ.

z4671852193384-509c575aaf43bf4ae504d7f089ef5ecf-1694077649.jpg
Mô hình tái sử dụng túi nilon đã qua sử dụng tại chợ thành phố Hà Tĩnh.

Không riêng gì chị Vân, thời gian qua với ý thức, trách nhiệm vì cộng đồng, chị em phụ nữ ở các phường, xã của thành phố Hà Tĩnh đã thay đổi hành vi, nhận thức về phân loại, xử lý rác. Đặc biệt là thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa, túi nilon đã có sức lan tỏa sâu rộng, tạo thành phong trào thi đua trong xây dựng tiêu chí đô thị văn minh, gia đình văn hóa tiêu biểu. Từ đó, những tác hại của rác thải nhựa đối với đời sống và môi trường được kiểm soát, giảm thiểu đến mức thấp nhất, bộ mặt đô thị ngày càng xanh- sạch- đẹp- an toàn.

“Phân loại, xử lý rác, nhất là rác thải nhựa được thực hiện hiệu quả, góp phần quan trọng trong xây dựng đô thị văn minh. Hiện tại 8 tổ dân phố trên địa bàn đều có mô hình “Ngôi nhà xanh” để thu gom rác thải nhựa. Bên cạnh sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của chính quyền địa phương thì vai trò của chị em phụ nữ trong phòng ngừa ô nhiễm rác thải nhựa là rất lớn”, ông Trần Xuân Sơn - Chủ tịch UBND phường Nam Hà cho biết.

Hiệu quả từ hoạt động truyền thông.

Những năm gần đây thành phố Hà Tĩnh có bước phát triển vượt bậc, toàn diện về kinh tế, văn hóa- xã hội. Từ nhu cầu thực tiễn cuộc sống nên rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng vẫn phát sinh hằng ngày. Với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa, cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể ở TP Hà Tĩnh đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, tiểu thương trên địa bàn về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường.

Theo đó, thành phố Hà Tĩnh đã phối hợp với Ban Quản lý dự án WWF Việt Nam (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam) ký kết hoạt động truyền thông phòng chống rác thải nhựa, nhân rộng mô hình tái sử dụng túi nilon đã qua sử dụng tại chợ thành phố Hà Tĩnh. Với nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo, các bên liên quan đã phân tích, làm rõ tác hại của rác thải nhựa nói chung, túi nilon nói riêng đối với đời sống con người, môi trường; sự cấp thiết của việc nâng cao ý thức phòng chống rác thải nhựa, tiến tới nói không với rác thải nhựa trong cuộc sống, sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường bền vững.

z4671852195834-e1451a6dfb9ec75c8d7571310410ecff-1694077649.jpg
Ban Quản lý dự án WWF Việt Nam (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam) ký kết hoạt động truyền thông phòng chống rác thải nhựa tại thành phố Hà Tĩnh. 

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Phương– Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Tĩnh cho biết, cùng với triển khai sâu rộng các hoạt động phối hợp truyền thông, các cấp Hội phụ nữ đã huy động lực lượng ra quân xóa bỏ các điểm đen về rác thải tự phát, trong đó có rác thải nhựa. Đồng thời tổ chức ký cam kết với các cơ quan, đơn vị không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần như: Chai nước, ống hút nhựa, cốc, đĩa nhựa, túi nilon.

“Qua theo dõi, nắm tình hình thì hiện nay các phường, xã, tổ dân phố đều có mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải tái chế, mô hình “chị em phụ nữ xách giỏ đi chợ”, mô hình “Ngôi nhà tiết kiệm thu gom rác thải nhựa”, mô hình “Ngôi nhà xanh- tiết kiệm sinh thái”…phát huy hiệu quả tích cực. Qua các mô hình này đã góp phần nâng cao ý thức, hạn chế tối đa sử dụng các sản phẩm phát sinh rác thải nhựa, góp phần  phòng ngừa ô nhiễm môi trường, xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp”, bà Trần Thị Phương cho biết thêm.

Qua tìm hiểu được biết, thành phố Hà Tĩnh là 1 trong 10 địa phương đầu tiên của Việt Nam ký cam kết tham gia chương trình “Đô thị giảm nhựa”, thuộc Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam. Chương trình nhằm hiện thực hóa mục tiêu giai đoạn 2022-2025, thành phố Hà Tĩnh sẽ giảm 50% lượng rác thải nhựa chưa được quản lý có nguy cơ thất thoát ra biển, 90% các chủ nguồn thải được phân loại tại nguồn. Đặc biệt sẽ giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, hướng tới mục tiêu không còn rác ngoài thiên nhiên vào năm 2030.

z4671852195831-1343aa1c740becba9fcf22928b7348b3-1694077649.jpg
Điểm tiếp nhận vỏ lon, chai nhựa, bìa, giấy, sắt vụn và túi nilon tại thành phố Hà Tĩnh. 

Theo đó, tại thành phố Hà Tĩnh các hoạt động tập huấn, hướng dẫn kiến thức phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình; cấp phát thùng ủ rác thực hiện mô hình sản xuất phân hữu cơ bằng vi sinh bản địa IMO; các hoạt động truyền thông phòng chống rác thải nhựa tại các cơ quan, trường học được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Qua đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân và học sinh. Mỗi người đều chủ động, tự giác và triển khai các chương trình hành động để giảm thiểu rác thải nhựa, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

“Với nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả, đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực từ dự án WWF Việt Nam, thành phố Hà Tĩnh đã cơ bản thực hiện tốt việc xử lý rác thải nhựa, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Từ những mô hình xử lý rác thân thiện với môi trường sẽ được chúng tôi tuyên truyền, nhân ra diện rộng trên địa bàn Hà Tĩnh”, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh thông tin.   

 

 

Hoàng Tiến

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/thanh-pho-ha-tinh-nang-cao-hieu-qua-xu-ly-rac-thai-nhua-a33108.html