Hơn 22 triệu học sinh cả nước háo hức bước vào năm học mới 2023-2024

Sáng 5/9, Lễ khai giảng năm học mới 2023 - 2024 được tổ chức ở các trường học trên cả nước trong không khí vui tươi, rực rỡ cờ hoa.

Trong sáng 5/9, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự, chung vui cùng học sinh trên toàn quốc. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Lễ khai giảng cùng thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm, chúc mừng Trường Hữu nghị T78 (Phúc Thọ, Hà Nội).  Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tới thăm thầy và trò Trường Trung học Cơ sở Tân Phú, tỉnh Tiền Giang. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Lễ khai giảng tại Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham dự Lễ khai giảng tại Trường Trung học Cơ sở Đoàn Thị Điểm, thành phố Cần Thơ.

k1-2-1693880947.jpgChủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường phổ thông nội trú Gia Lai. Ảnh: TRUNG TÂN

Trước đó, sáng 4/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã tới thăm, chúc mừng và dự Lễ khai giảng năm học mới tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở huyện Văn Yên (Yên Bái).

Năm học 2023-2024, chủ đề của toàn ngành giáo dục đặt ra là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

Trong tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông, ngành đặt ra nhiệm vụ cần tiếp tục đổi mới giáo dục theo chiều sâu, ở từng nội dung giáo dục, từng môn học, từng hoạt động. Sau ba năm triển khai chương trình mới với các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10, năm học này sẽ tập trung triển khai mới với các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị điều kiện triển khai các lớp cuối cấp 5, 9, 12 (bao gồm cả phần việc biên soạn sách giáo khoa, thẩm định, chuẩn bị các điều kiện phát hành).

k2-1693880968.jpgChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến dự lễ khai giảng cùng thầy và trò Trường Hữu nghị T78 (Phúc Thọ, Hà Nội). (Ảnh: VTC News)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết trong năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thí điểm thực hiện đổi mới chương trình giáo dục ở bậc mầm non. giáo dục thường xuyên cũng sẽ có nhiều đổi mới. “Năm học 2023-2024 là năm học hứa hẹn nhiều đổi mới,” Bộ trưởng cho hay.

Với nhiệm vụ, vai trò quan trọng và những kế hoạch đổi mới, toàn ngành giáo dục sẽ tập trung vào 12 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai hiệu quả các mục tiêu năm học 2023-2024.

Trong số đó, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục. Cụ thể, ngành tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo đồng thời tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục.

Với giáo dục phổ thông, ngành đặt nhiệm vụ thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thực hiện chương trình xóa mù chữ, chương trình giáo dục thường xuyên cấp bảo đảm đảm chất lượng, hiệu quả, đẩy mạnh học tập thường xuyên, học suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Năm học này, ngành cũng sẽ ban hành phương án thi tốt nghiệp tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án và chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025.

Về vấn đề giáo viên, ngành đặt nhiệm vụ nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Các nội dung cụ thể như rà soát nhân lực để bổ sung biên chế giáo viên, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác. Bên cạnh mục tiêu đảm bảo số lượng, ngành cũng đặt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ.

k3-1693881143.jpgHọc sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Thủ Đức, TP.HCM trong lễ khai giảng sáng 5/9. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, ngành đặt nhiệm vụ thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và bảo đảm thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chú trọng vấn đề tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục đạo đức, quốc phòng an ninh; giáo dục thể chất cho học sinh và đảm bảo an toàn trường học.

Với giáo dục đại học, ngành đặt nhiệm vụ quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học. Cụ thể là xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đặt nhiệm vụ tăng cường công tác thanh kiểm tra, đẩy mạnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế, tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hon-22-trieu-hoc-sinh-ca-nuoc-hao-huc-buoc-vao-nam-hoc-moi-2023-2024-a33069.html