Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Năm học 2022-2023, tỉnh Kon Tum có 359 trường mầm non và phổ thông công lập, 73 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tổng số trẻ em, học sinh trên địa bàn tỉnh Kon Tum là 164.256 em, trong đó có 95.972 trẻ em, học sinh là người dân tộc thiểu số.
Đội ngũ nhà giáo tiếp tục được bổ sung về số lượng, bồi dưỡng nâng cao về chất lượng, đáp ứng việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo. Biên chế sự nghiệp giáo dục được tỉnh giao năm 2023 là 11.716 người (tăng 391 chỉ tiêu so năm 2022).
Cơ sở vật chất phòng học, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư cơ bản bảo đảm cho việc triển khai nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Năm học 2022-2023, đầu tư xây mới bổ sung 106 phòng học, 38 phòng học bộ môn, 42 công trình vệ sinh nước sạch, 20 phòng ở cho học sinh, 7 khu hành chính quản trị; xây mới 11 nhà ăn, nhà bếp, cải tạo, sửa chữa 320 phòng học, 18 phòng học bộ môn…; bổ sung 24 phòng máy vi tính (với 780 máy tính), 125 tivi; 2.400 bộ bàn ghế và các thiết bị dạy học khác với tổng kinh phí hơn 285 tỷ đồng.
Bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách, trong năm học 2022-2023, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum tiếp tục huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, các nguồn tài trợ, viện trợ nhằm tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện học tập như: Chương trình "Sóng và máy tính cho em", Thư viện ước mơ, Thư viện thân thiện đã lan tỏa đến các trường vùng sâu, vùng xa, "Đông ấm",… nhiều sách, vở, đồ dùng học tập được chia sẻ đến các em học sinh khó khăn qua phong trào "Sách cũ cho năm học mới", mô hình "Bán trú dân nuôi".
Năm học 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập; tập trung, huy động các nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển trường, lớp theo hướng đạt chuẩn, hiện đại về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2021-2030; quan tâm các tiêu chí giáo dục ở một số xã thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Tỉnh chuẩn bị các điều kiện triển khai năm học mới 2023-2024; trong đó chú trọng triển khai có hiệu quả chương trình và sách giáo khoa lớp 4, 8, 11; chủ động nắm bắt số lượng nhu cầu sách vở đầu năm học, tham mưu các giải pháp chuẩn bị các điều kiện, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa, vở trong năm học mới…
Tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành Trung ương quan tâm mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với các cơ sở giáo dục mầm non khó khăn theo Quyết định số 1609/QĐ-TTg ngày 26/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số chưa thuộc đối tượng thụ hưởng; rà soát, ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; bổ sung chỉ tiêu số lượng người làm việc còn thiếu cho tỉnh Kon Tum và không cắt giảm 10% số lượng người làm việc đối với địa bàn khó khăn; có cơ chế chuyển tiếp, duy trì các chính sách an sinh trên lĩnh vực giáo dục, y tế từ 2-3 năm sau khi địa phương đạt chuẩn nông thôn mới như miễn giảm học phí, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí học tập…
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Tu Mơ Rông là nơi đào tạo con em dân tộc thiểu số, tạo nguồn cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương. Năm 2022-2023, trường có 46 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 11 lớp với 336 học sinh, trong đó có 326 học sinh dân tộc thiểu số, đa số là người dân tộc Xơ Đăng, xuất thân từ nông dân, 267 học sinh hưởng chế độ nội trú, 60 học sinh được hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ.
Chất lượng học tập của trường những năm gần đây chuyển biến tích cực, năm học qua, hơn 37% học sinh có học lực khá giỏi. Học sinh tốt nghiệp THPT học nghề, cao đẳng, đại học tăng, năm 2020 đạt 35%, năm 2023 đạt 60%.
Tuy nhiên, giáo viên biên chế của trường chưa bảo đảm theo quy định, nhiều giáo viên chưa thực sự yên tâm công tác; trường còn thiếu phòng học, các phòng chức năng và thiết bị dạy học, cũng như phòng ở cho học sinh, nhà công vụ cho giáo viên; nhà ăn chật hẹp, nhiều nhà vệ sinh xuống cấp.
Trên phạm vi toàn tỉnh, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, tỉnh còn nhiều khó khăn như tỉ lệ phòng học chưa kiên cố còn cao; thiếu 836 giáo viên, tình trạng thiếu giáo viên không gay gắt so với nhiều địa phương nhưng đời sống vật chất và tinh thần đối với hầu hết các nhà giáo đang công tác tại các xã ở vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn…
Chăm lo hơn nữa cho các trường dân tộc nội trú
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng nêu rõ, Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới của Tây Nguyên, bên cạnh những lợi thế thì cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy còn nhiều khó khăn, song Kon Tum đã quan tâm, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp theo chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo.
Thủ tướng vui mừng, xúc động được tới thăm Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tu Mơ Rông, nơi nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, tạo cơ hội phát triển cho các em học sinh dân tộc thiểu số; chia sẻ với những khó khăn, thách thức và ghi nhận, biểu dương tinh thần cố gắng, nỗ lực của đội ngũ giáo viên, học sinh tỉnh Kon Tum nói chung và của trường nội trú Tu Mơ Rông nói riêng, đạt nhiều kết quả tích cực trong năm học vừa qua.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Kon Tum và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tu Mơ Rông khắc phục những hạn chế, tồn tại, bất cập trong năm học vừa qua, phát huy những kết quả đã đạt được; tiếp tục triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục theo tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu với phương châm học sinh là trung tâm, nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực; bố trí giáo viên, xây dựng chương trình học tập phù hợp với tình hình mới của năm học…
Lưu ý tỉnh Kon Tum một số vấn đề trong triển khai năm học mới, Thủ tướng yêu cầu kiên quyết, kiên trì không cho ma túy, tệ nạn xã hội vào học đường, xâm hại đến sức khỏe, đạo đức và nhân cách của học sinh, sinh viên.
Đồng thời, bảo đảm an ninh, an toàn cho học sinh, giáo viên với các biện pháp phòng chống thiên tai như lũ lụt, sạt lở, khắc phục tình trạng bạo lực trong học đường.
Cùng với đó, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục; rà soát lại việc dạy và học môn học giáo dục công dân trong trường học phổ thông, bảo đảm chất lượng, thực chất, hiệu quả; bảo đảm không để thiếu sách giáo khoa.
Thủ tướng cũng đề nghị trong lúc chưa triển khai được các giải pháp căn cơ, bài bản, lâu dài hơn, cần nghiên cứu, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên và sắp xếp lại các điểm trường, lớp học cho phù hợp tình hình thực tiễn, hiệu quả hơn theo hướng giảm điểm trường lẻ, tăng trường nội trú, điểm trường chính.
Đề nghị tiếp tục quan tâm kiên cố hóa các phòng học và nhà ở cho học sinh, nhà công vụ, Thủ tướng cho rằng, phòng học, phòng ở kiên cố nghĩa là bảo đảm an toàn, thoáng mát vào những ngày nắng nóng, phù hợp điều kiện khí hậu, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, sinh hoạt. Thủ tướng gợi ý, không nhất thiết phải là nhà bê tông cốt thép nhiều tầng mà có thể xây dựng các ngôi nhà mái ngói với các hàng hiên ở 4 phía để có thêm không gian thoáng mát, là nơi vui chơi, nghỉ ngơi cho các em học sinh, các thầy cô giáo…
Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục tiếp tục quan tâm, chăm lo các trường dân tộc nội trú. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đổi mới phương thức dạy và học, hoạt động của các trường, chú trọng hơn nữa tới hoạt động ngoại khóa, giáo dục thể chất, nghệ thuật, giáo dục truyền thống văn hóa - lịch sử của địa phương, đất nước, lý tưởng cách mạng, đạo đức, ý thức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh… Đồng thời, tạo môi trường để học sinh dân tộc thiểu số vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa giao lưu, hòa nhập với học sinh các dân tộc khác và phát huy tối đa năng khiếu, sở trường của từng em.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng trong năm học mới, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tu Mơ Rông sẽ đạt kết quả cao hơn năm học vừa qua.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã trao tặng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tu Mơ Rông quà trị giá 1 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị cho các phòng học và tu sửa, xây dựng nhà vệ sinh, phòng ăn…
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/thu-tuong-tham-truong-dan-toc-noi-tru-tai-huyen-ngheo-cua-kon-tum-a32893.html