Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dâng hương tại Nhà Lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. (Ảnh: TTXVN) |
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Đoàn công tác Trung ương đã thành kính dâng hương và trồng cây tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tại xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Khu Lưu niệm của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. (Ảnh: TTXVN) |
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi vòng hoa kính dâng anh linh Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Các đồng chí nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng dự lễ.
Đến dự lễ dâng hương còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo đại diện các bộ, ngành, địa phương.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. (Ảnh: TTXVN) |
Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang), tên thường gọi Hai Thắng; bí danh Thoại Sơn.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm tại Nhà Lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. (Ảnh: TTXVN) |
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Tôn từ một công nhân, người lính thợ đến việc tổ chức đấu tranh cách mạng, từ ngục tù Côn Đảo đến tham gia kháng chiến và trải qua các chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, Mặt trận cho đến khi làm Chủ tịch nước, vẫn luôn luôn thúc đẩy phong trào đấu tranh vì khát vọng độc lập – tự do.
Ngay từ thời niên thiếu, Bác Tôn Đức Thắng đã kiên định với hình tượng cách mạng tự do không phải là chỉ biết có tôi, cho riêng tôi. Bác Tôn Đức Thắng là người hành động theo cách mạng vô sản trước khi đến với chủ nghĩa cộng sản. Và cũng vì thế mà lý tưởng đạo đức cách mạng mà Bác Tôn theo đuổi cũng chính là lý tưởng đạo đức của chủ nghĩa cộng sản. Các phẩm chất đạo đức cách mạng của Chủ tịch Tôn Ðức Thắng được hình thành dần dần, củng cố, hoàn thiện và phát huy thông qua thực tiễn cách mạng. Từ việc trở thành hạt nhân lãnh đạo các cuộc đấu tranh bãi khóa của học sinh Trường Bá Nghệ, là người tổ chức các cuộc bãi công của công nhân Ba Son năm 1912 cho tới trở thành lính thợ làm việc trên chiến hạm France năm 1916, hay sau khi tổ chức và tham gia kéo cờ đỏ phản chiến của Hải quân Pháp ở Biển Đen ủng hộ nước Nga Xô viết năm 1919… Bác Tôn Đức Thắng luôn làm rõ vai trò, vị trí của mình trong tập thể. Liên tục những năm 1927, 1928, 1929, Bác Tôn Đức Thắng là Ủy viên Thành bộ Sài Gòn và Ủy viên Kỳ bộ Nam Kỳ, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được phân công phụ trách phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ lớn.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng là biểu tượng cho hình ảnh đồng bào miền nam trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; người sáng lập ra tổ chức Công hội Đỏ, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ 20.
Với những cống hiến to lớn đó, Bác vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất; cùng nhiều giải thưởng quan trọng như Huân Chương Lênin, giải thưởng Lênin vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc, cùng nhiều phần thưởng danh hiệu cao quý khác.
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Người, chúng ta càng thêm kính trọng và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc Chủ tịch Tôn Đức Thắng - một chiến sĩ cách mạng kiên trung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là dịp để chúng ta học tập, làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Tôn Đức Thắng - một gương mẫu đạo đức cách mạng; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân.
TH
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-du-le-dang-huong-ky-niem-135-nam-ngay-sinh-chu-tich-ton-duc-thang-a32890.html