Cơ bản không còn hộ nghèo
Theo cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, thành phố đã có 28/29 văn bản được ban hành (đạt 96,6% kế hoạch).
Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2023, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 13 văn bản liên quan đến Chương trình số 08-CTr/TU. Qua đó, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù được ban hành, góp phần thúc đẩy hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch 18/27 chỉ tiêu của giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương phát biểu tại hội nghị.
Mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục - đào tạo, trợ giúp xã hội được quan tâm đầu tư phát triển để đáp ứng nhu cầu của nhân dân; đặc biệt, thành phố quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn; phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Trong 6 tháng đầu năm, thành phố giải quyết việc làm cho 113.418/162.000 lao động (đạt 70,89% kế hoạch năm), tỷ lệ thất nghiệp toàn thành phố dưới 3%. Đến nay, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo; 16/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo; 3 quận không còn hộ cận nghèo. Đặc biệt, 100% học sinh khuyết tật, học sinh là đối tượng bảo trợ xã hội, học sinh thuộc hộ nghèo được miễn học phí; đến tháng 6-2023, đạt 36,44 giường bệnh/vạn dân…
Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, hơn nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2020-2025, đã có 25/29 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch của cả nhiệm kỳ và kế hoạch năm. Dù vậy, quan điểm của Ban Chỉ đạo là không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành chỉ tiêu, mà các đơn vị, sở, ngành sẽ nỗ lực phấn đấu để đạt kết quả cao nhất, tương ứng với sự phát triển chung của thành phố, người dân được thụ hưởng chính sách rộng rãi.
Gỡ khó cho 4 chỉ tiêu thấp
Tại hội nghị, bên cạnh đánh giá những kết quả tích cực trên, thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện các sở, ngành, quận, huyện cho rằng, vẫn còn một số khó khăn như số người tham gia BHXH, BHYT tăng chậm; tiến độ đề xuất chủ trương đầu tư cơ sở y tế của các huyện còn chậm; việc triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân, khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử còn hạn chế; mức thu nhập của người dân vùng dân tộc thiểu số còn thấp so với bình quân chung toàn thành phố.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cho rằng, 4 chỉ tiêu khó cần tập trung chỉ đạo thực hiện thời gian tới gồm: Số bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia chương trình sữa học đường; tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, số bác sĩ hiện là 14 bác sĩ/vạn dân, để đạt mục tiêu của Chương trình thì còn thiếu 1.555 bác sĩ, chia bình quân 3 năm, mỗi năm cần tăng thêm khoảng 518 bác sĩ. Số lượng bác sĩ này sẽ được thu hút qua các đợt tuyển dụng viên chức, qua các Đề án thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Y tế và Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho ngành Y tế Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà báo cáo, trao đổi tại hội nghị.
Đối với chỉ tiêu quản lý sức khỏe người dân phải đạt 100%, Giám đốc Sở Y tế cũng cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo, ngành Y tế Thủ đô đã triển khai đến tất cả các quận, huyện. Đến nay, đã có một số đơn vị triển khai tốt chỉ tiêu này như: Mê Linh, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Chương Mỹ. Thời gian tới, ngành Y tế thành phố sẽ tiếp tục triển khai rộng khắp, cam kết đưa bác sĩ ở các bệnh viện tuyến thành phố khám, chữa bệnh miễn phí tại các quận, huyện.
Mục tiêu của Chương trình 08-CTr/TU là 100% được quản lý sức khỏe, chứ không phải khám sức khỏe, nhưng Ban Chỉ đạo đang nâng lên 1 mức là quản lý bằng khám sức khỏe để chất lượng quản lý thực chất hơn so với việc chỉ quản lý trên giấy tờ. Sở Y tế cam kết trong quý II-2024 sẽ hoàn thành chỉ tiêu này.
"Trong tuần này, Sở Y tế sẽ tiếp tục làm việc với huyện Thanh Oai, thị xã Sơn Tây để thực hiện chỉ tiêu này và có giải pháp cụ thể triển khai", đồng chí Trần Thị Nhị Hà cho biết.
Về chỉ tiêu “Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia chương trình sữa học đường”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho rằng, chương trình vẫn được ngành nỗ lực triển khai, có Tờ trình số 573/TTr-SGDĐT đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu thành “90% trường học có tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn học đường đạt chuẩn theo quy định”.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương báo cáo lĩnh vực của ngành.
Về tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Đàm Thị Hòa cho biết, ngành Bảo hiểm xã hội thành phố và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang tham mưu để trình thành phố về chính sách hỗ trợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho người từ 70 đến 80 tuổi, cuối năm 2023 sẽ giải quyết được chỉ tiêu này.
Để đánh giá được chất lượng an sinh xã hội, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan đề xuất, Ban Chỉ đạo Chương trình nên cập nhật số liệu thu nhập bình quân của người dân Thủ đô hằng năm, qua đó, thể hiện đời sống được nâng cao khi người dân thụ hưởng các chính sách an sinh của thành phố.
Nghiên cứu các cách làm sáng tạo
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, việc triển khai Chương trình 08-CTr/TU đã mang lại hiệu quả rõ rệt, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, lan tỏa, người dân được thụ hưởng trực tiếp. Nhiều chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch của giai đoạn 2020-2025 cho thấy sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo.
Về một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các đơn vị nghiên cứu các cách làm sáng tạo của một số đơn vị, quận, huyện để áp dụng, triển khai đạt kết quả rõ nét, trong đó, tiếp tục quan tâm đến các chính sách chăm lo người có công, thực hiện an sinh xã hội.
Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị các sở, ngành tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các dự án liên quan đến đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa và việc thực hiện chỉ tiêu về sử dụng nước sạch. Sở Y tế phối hợp Sở Nội vụ rà soát những nội dung liên quan đến các bộ, ngành; phối hợp thực hiện xã hội hóa các đề án, dự án về y tế. Trong quản lý sức khỏe cho người dân, với một số đơn vị làm tốt, Sở cần đánh giá cách làm, kinh nghiệm để triển khai rộng trên toàn thành phố.
Về một số kiến nghị, đề xuất của các địa phương, Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Ngọc Tuấn giao cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện báo cáo, tham mưu các chính sách phù hợp, chất lượng.
18 chỉ tiêu đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch giai đoạn 2021-2025
- Tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%.
- Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn mới.
- Học sinh khuyết tật, học sinh là đối tượng bảo trợ xã hội, học sinh thuộc hộ nghèo được miễn học phí.
- Người thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định.
- Cá nhân, hộ gia đình gặp rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn hoặc các lý do bất khả kháng khác được trợ giúp đột xuất kịp thời;
- 36,44 giường bệnh/vạn dân.
- Xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế.
- Phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất.
- Trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.
- Tuổi thọ bình quân 76,5 tuổi.
- Duy trì mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ đầu năm 2021 đến nay.
- Người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.
- Xã, phường, thị trấn có Quỹ chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.
- Trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng duy trì giảm 0,1%/năm từ đầu năm 2021 đến nay.
- Người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn tiền vé khi sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn của thành phố.
- 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp.
- Các trường hợp bị bạo lực trên cơ sở giới, trẻ em bị xâm hại, bạo lực khi phát hiện được can thiệp, trợ giúp kịp thời.
- Tỷ lệ hỏa táng đạt 73%.
Theo Hà Nội mới
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/thuc-day-phat-trien-he-thong-an-sinh-xa-hoi-cho-nguoi-dan-thu-do-a32611.html