Những ngân hàng 'máu sống'

Hai năm nay, anh Trần Minh Mến (Bình Thuận) nghỉ hẳn việc bảo vệ, túc trực ở Bệnh viện Khu vực phía nam Bình Thuận. Ai cần có máu, anh 'điều động' thành viên câu lạc bộ. Bất kể ngày hay đêm, anh trở thành 'tổng đài máu' của hàng vạn người bệnh nơi đây.

Anh Trần Minh Mến (Bình Thuận).Anh Trần Minh Mến (Bình Thuận).

Anh Trần Minh Mến, đội trưởng Đội Ngân hàng máu sống xã Nghĩa Đức, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đã dành lần hiến máu thứ 102 tại Thủ đô, đánh dấu hành trình gần 30 năm hiến máu, ghi dấu ấn kỷ niệm thời điểm anh được tôn vinh là 1 trong 100 người hiến máu tiêu biểu cả nước năm 2023.

Con đường để anh đến với hiến máu tình cờ, sau khi nhìn thấy người cùng xã Nghĩa Đức bị tai nạn, mất máu nghiêm trọng không qua khỏi. Khi được vận động hiến máu cho người bệnh, anh không nề hà đồng ý ngay. Từ đó, anh đến với hiến máu để có thể cứu những trường hợp khẩn cấp như vậy.

Anh trở thành thành viên tích cực tham gia hiến máu tình nguyện tại xã. Dần dần, anh vận động gần 3.000 người tham gia hiến máu cùng mình.

Anh Trần Minh Mến (Bình Thuận) báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại buổi gặp mặt 100 đại biểu là người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Anh Trần Minh Mến (Bình Thuận) báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại buổi gặp mặt 100 đại biểu là người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Cuộc sống của anh Mến giản đơn cùng người mẹ già trong ngôi nhà nhỏ vừa được hỗ trợ xây lại khang trang. Mẹ anh, 90 tuổi, vẫn minh mẫn bảo con: “Người ta đã xây cho mình nhà đàng hoàng, con xem nghỉ việc, chỉ tập trung đi vận động hiến máu”. Anh gật đầu với mẹ, và nghĩ “Đó cũng là một cách để trả ơn cuộc đời”.

Nhiều năm qua, các y, bác sĩ tại Bệnh viện Khu vực phía nam Bình Thuận quá quen với bóng dáng nhanh nhẹn, vui tính của anh Mến. Hỏi anh không đi làm kiếm tiền, vậy anh lấy gì để nuôi mẹ già, anh hóm hỉnh bảo “Mến không cần tiền, chỉ cần có máu cứu người”.

Đội Ngân hàng máu sống xã Nghị Đức, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận có 80 thành viên, đầy đủ các nhóm máu. Bất kỳ người bệnh nào bị tai nạn giao thông, mắc bệnh gan, hoặc sản phụ mổ thiếu máu, những thành viên ngân hàng máu sống sẽ ngay lập tức có mặt để tiếp máu kịp thời. “Ngày nắng cũng như mưa, đêm hôm không nề hà, anh em chúng tôi chỉ cần nghe cuộc gọi cần máu là lên đường. Một ngày, bản thân tôi có thể hiến 18-20 đơn vị máu”, anh Mến tự hào khoe.

Là thành viên hiến máu tích cực nhất câu lạc bộ, có những hoàn cảnh đi hiến máu vô cùng khẩn cấp anh không thể quên. Đó là khi vừa xuống sân bay, nhận cuộc gọi từ bệnh viện có một gia đình cần 4 đơn vị nhóm máu B để mổ cấp cứu, không ngại ngần, anh phi thẳng về bệnh viện cho máu. “Người đó được cứu sống và sau đó cứ đến cảm ơn tôi mãi”.

Một trường hợp được nhận máu mà anh nhớ nhất là bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Anh cùng đội của mình đã vận động 50 đơn vị máu nhóm B cho bệnh nhân đó trong suốt nhiều năm. Riêng bản thân anh đã hiến cho người đó 12 đơn vị máu. Niềm vui lớn nhất của những người tham gia công tác vận động và trực tiếp hiến máu tình nguyện như anh Mến là bệnh nhân được khỏe mạnh, trở về cuộc sống bình thường.

Ở mảnh đất Gia Lai nắng gió, những năm gần đây, hoạt động hiến máu tình nguyện đã dần được phát triển. Anh Lê Đức Lâu, Phó Chủ nhiệm CLB hiến máu nhân đạo Giọt hồng Pleiku, Gia Lai đã có thâm niên 40 lần hiến máu kể, anh bén duyên với hiến máu tình nguyện từ năm 1995 khi còn là một chiến sĩ.

Khi hiến máu ở những năm tháng tuổi trẻ, anh nghĩ đó là trách nhiệm của đoàn viên Thanh niên của cơ quan, chưa hiểu gì nhiều về hiến máu, đặc biệt tại quê anh.

"Cho tới hơn 10 năm trở lại đây, khi trở thành tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ ở địa phương, trực tiếp tham gia chương trình nhân đạo, trong đó có hiến máu, tôi được tiếp xúc với những người bệnh cần máu và hiểu được rằng chỉ có cơ thể người mới sản sinh được máu. Từ đó, tôi càng có thêm động lực tham gia hiến máu tình nguyện", anh Lâu tâm sự.

Anh Lê Đức Lâu, Phó Chủ nhiệm CLB hiến máu nhân đạo Giọt hồng Pleiku, Gia Lai.

Anh Lê Đức Lâu, Phó Chủ nhiệm CLB hiến máu nhân đạo Giọt hồng Pleiku, Gia Lai.

Là ngân hàng máu sống của địa phương, việc hiến máu khẩn cấp tại địa phương nhiều lần. Nhưng lần đi xa nhất là anh chạy xe xa vài chục km để hiến máu cấp cứu khi nhận được lời đề nghị từ một bệnh viện tại TP Kon Tum. Đó là thời điểm tháng 6/2020, anh đang ngồi với bạn bè thì nhận được cuộc gọi cần 2 đơn vị tiểu cầu nhóm B khẩn cấp.

"Tôi không nghĩ gì nhiều, chạy ô-tô một mạch 45 km từ Pleiku lên Kon Tum trong hơn 30 phút và sau hơn 90 phút hiến tiểu cầu, người bệnh đã được cứu sống kịp thời", anh Lâu chia sẻ.

Gia đình anh có 5 thành viên, người vợ luôn cùng anh đồng hành hiến máu hàng năm, còn cậu con trai thứ 2 đang là sinh viên ngành bưu chính viễn thông vừa về nghỉ hè đã được anh vận động tham gia Hành trình Đỏ “Giọt hồng Cao nguyên” lần thứ 8 – năm 2023 tại Pleiku. "Con trai đã có lần hiến máu đầu tiên tại Hành trình Đỏ năm nay", anh Lâu chia sẻ.

Được tôn vinh trong 100 người hiến máu tiêu biểu năm 2023, anh Lâu tâm sự, đó là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm. "Để tiếp tục hiến máu định kỳ, cống hiến cho cộng đồng, mình cần phải giữ sức khỏe, cố gắng giữ máu mình sạch thì mình mới có nguồn máu chất lượng tốt nhất, mang lại hy vọng cho người bệnh", anh Lâu tâm sự.

Là một giáo viên chuyên ngành về y tế, anh Vương Văn Thắng (công tác tại Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn) đã ghi dấu ấn lần 43 hiến tiểu cầu tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương trong thời gian được tôn vinh là 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc.

Biết đến phong trào hiến máu từ khi còn là sinh viên, đến nay anh Thắng đã gắn bó với hoạt động này được 14 năm. Một trong những động lực thôi thúc anh tham gia công tác vận động hiến máu tình nguyện đó chính là sự động viên của người vợ công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

Cùng công tác trong ngành y, anh chị thấu hiểu nỗi đau của người bệnh khi cần máu để duy trì sự sống. Ngoài những giờ học trên giảng đường, anh Thắng còn trò chuyện với các bạn sinh viên về lợi ích của hiến máu, tầm quan trọng đối với người bệnh, với xã hội.

Anh Vương Văn Thắng (công tác tại Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn).

Anh Vương Văn Thắng (công tác tại Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn).

Với sự đồng ý và góp sức của nhà trường, Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn được thành lập năm 2016 do anh Thắng làm chủ nhiệm. Anh trực tiếp làm đội trưởng câu lạc bộ "máu sống" của trường, vận động các bạn sinh viên tham gia hiến máu. Nhờ đó, đã có nhiều bệnh nhân cần máu cấp cứu đã được xử trí kịp thời từ nguồn máu sống.

Những người như anh Mến, anh Lâu, anh Thắng... đã lan tỏa cảm hứng tích cực "cho đi giọt máu đào" ngay chính tại địa phương mình. Không chỉ hiến máu tình nguyện định kỳ, họ còn là ngân hàng máu sống, tham gia câu lạc bộ hiến máu dự bị để cùng các cơ sở y tế địa phương chủ động có nguồn máu an toàn, sẵn sàng cho cấp cứu, điều trị và dự phòng cho thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng có thể xảy ra.

Theo báo Nhân dân

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhung-ngan-hang-mau-song-a32543.html