Sáng 27/7, căn nhà của ông Phạm Văn Cẩm đông vui hơn khi có sự xuất hiện của cán bộ, đoàn viên, thanh niên và các tình nguyện viên. Tại đây, cán bộ, chiến sĩ và các bạn trẻ cùng nhau vệ sinh nhà cửa, sắp hoa quả lên ban thờ liệt sĩ, chuẩn bị thực phẩm để nấu “Bữa cơm tri ân” thành kính dâng lên người đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì quê hương, đất nước.
Không ai bảo ai, tất cả đều bắt tay vào công việc với niềm tự hào, phấn khởi. Vừa làm việc, các bạn trẻ vừa nghe ông Cẩm ôn lại chuyện làm đồng, chuyện nhà, tình cảm của bà con lối xóm. Căn nhà vốn trống vắng bỗng ăm ắp tiếng cười nói khiến ông vơi đi nỗi nhớ thương con trai.
Ông Cẩm có 13 người con (6 trai, 7 gái) đều vương trưởng, người còn, người mất. Những năm tháng tuổi cao, ông sống một mình trong căn nhà cấp 4 giữa mảnh vườn rợp bóng cây xanh. Hơn 90 tuổi nhưng ông khá khỏe mạnh, minh mẫn, tay chân thoăn thoắt làm vườn, quét dọn nhà cửa và tự phục vụ đời sống cá nhân.
Ông kể, ông lấy vợ năm 16 tuổi rồi đi học lớp bổ túc văn hóa trên huyện, mấy năm sau mới sinh con. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, 5 người con trai của ông lần lượt xung phong lên đường đánh giặc. Tiễn con ra trận, ông động viên các con chân cứng đá mềm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ở quê nhà, gác lại niềm riêng, ông cùng vợ hăng hái tham gia sản xuất phục vụ chiến đấu, sát cánh cùng quân và dân hết lòng vì tiền tuyến.
Cán bộ, đoàn viên thanh niên tặng quà ông Phạm Văn Cẩm.
Liệt sĩ Phạm Văn Thị là con thứ tư trong gia đình. Năm 1978, anh Thị xung phong nhập ngũ, làm nhiệm vụ ở nhiều nơi rồi cùng đồng đội hành quân lên bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau một năm, gia đình đau xót nhận được giấy báo tử, anh hy sinh ngày 25/2/1979 ở Đồng Đăng (Lạng Sơn).
Nhấp chén trà thơm, ông Cẩm nghẹn ngào: “Sau mấy tháng nhận giấy báo tử con trai, trong một lần lao động hợp tác xã, bà nhà tôi cuốc phải bom bi. Mảnh bom găm vào ngực, bà ấy chết tại chỗ, khi đó cậu con trai út Phạm Văn Viện vừa 4 tuổi".
Như hiểu được băn khoăn của chúng tôi về việc sao không lấy vợ nữa để nuôi dạy các con, cùng chăm lo việc nhà, ông Cẩm xua tay: “Tôi nhất quyết không vì thương các con còn nhỏ quá. Tháng ngày qua đi, tôi thắt lưng buộc bụng nuôi các con khôn lớn, trưởng thành”.
Đầm ấm bữa cơm tri ân.
Sau khi thắp hương liệt sĩ Phạm Văn Thị, mâm cơm tươm tất được dọn ra, mọi người cùng quây quần trên chiếc bàn kê trước sân nhà. Mấy bạn tình nguyện viên thuộc Hội sinh viên Bắc Giang tại Hà Nội gắp thức ăn mời ông Cẩm dùng bữa. Bưng bát cơm trên tay, miệng ông tươi cười nhưng đôi mắt ầng ậng nước.
Anh Đoàn Xuân Chiến, Bí thư Đoàn xã Hương Sơn chia sẻ: Hoạt động “Bữa cơm tri ân” đã mang lại không khí ấm cúng đến các gia đình chính sách, người có công. Qua đây, thế hệ trẻ được giáo dục và ôn lại truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc, từ đó nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng quê hương.
Binh nhất Trần Văn Hiếu, Chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 xúc động: “Ghi nhớ công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng, chúng tôi nguyện là lực lượng xung kích, nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực học tập, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Hoàng Hanh
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bua-com-tri-an-sau-nang-nghia-tinh-a32504.html