Sẽ có khoảng 4-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam
Nhận định về những diễn biến mưa bão thời gian tới, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia - ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, dự báo từ nay đến hết năm 2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 9-11 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam (đã bao gồm cả cơn bão số 1).
Thời gian bão/áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền nước ta xảy ra chủ yếu tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, tập trung vào khoảng thời gian từ nay đến tháng Chín; từ tháng 10-12/2023 tại khu vực từ Trung Trung Bộ đến các tỉnh phía Nam.
“Xu thế biến đổi khí hậu khiến cho thời tiết sẽ ngày càng cực đoan và có biến động không ngừng. Do đó các địa phương và người dân cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ,” ông Lâm nhấn mạnh.
Về xu thế mưa, theo nhận định của rung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, trong điều kiện El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa trong hầu hết các vùng trong cả nước, phổ biến từ 25 đến 50% (rõ rệt nhất là Bắc Trung Bộ).
Tuy vậy, cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia cũng đặc biệt lưu ý một số đợt El Nino đã cho những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ và số tháng liên tục hụt mưa ở một số nơi cho thấy El Nino làm tăng tính biến động của mưa ở Việt Nam.
Khả năng thiếu hụt nguồn nước vẫn xảy ra
Theo báo cáo hàng năm, các đợt lũ ở Bắc Bộ sẽ phổ biến tập trung vào tháng 7-9. Tuy nhiên, năm 2023, nguồn nước thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 30-50%, thấp hơn năm 2022. Đỉnh lũ trên các sông ở Bắc Bộ phổ biến BĐ1-BĐ2, thấp hơn TBNN, mực nước cao nhất năm 2023 tại Hà Nội từ 6,5-7,5m (dưới BĐ1).
Nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL trong mùa khô năm 2023-2024, đặc biệt tình trạng xâm nhập mặn có thể diễn ra từ sớm vào cuối năm 2023, đầu năm 2024. Các địa phương ở ĐBSCL nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2023-2024.
Trong tháng 7-9/2023, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên độ cao sóng ở vùng biển ngoài khơi Đông Nam Bộ có thể đạt 2,0-4,0m và tại vùng biển ven bờ Cà Mau-Kiên Giang sóng biển cao 1,5-2,5m (với xác suất trên 70%). Vùng ven biển các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cần đề phòng sóng lớn kết hợp với nước dâng do ảnh hưởng của bão và ATNĐ từ tháng 14 7-9/2023, nguy cơ cao gây sạt lở bờ sông, bờ biển.
Từ nửa cuối tháng 6 đến tháng 9/2023, tại khu vực ven biển Đông Nam Bộ xuất hiện 05 đợt triều cường. Tuy nhiên, mực nước tại trạm Vũng Tàu (thuộc khu vực biển Đông Nam Bộ) trong các đợt triều cường ở mức dưới 4,15m. Do thời điểm này, khu vực ven biển Đông Nam Bộ không chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, nên nguy cơ ngập úng ở vùng trũng, thấp, khu vực ngoài đê bao ở mức thấp. Vùng ven biển Tây Nam Bộ, khoảng từ cuối tháng 7/2023 và tháng 8/2023 cần đề phòng mực nước biển dâng cao bất thường gây sạt lở đê biển trong thời gian xuất hiện triều cường kết hợp sóng lớn trong thời gian gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh.
Từ tháng 10-12/2023, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, độ cao sóng ở khu vực Vịnh Bắc Bộ có thể đạt 2-4m, vùng biển ngoài khơi Trung Bộ sóng biển dao động từ 3-5m (với xác suất trên 70%).
Vùng ven biển khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ cần đề phòng sóng lớn kết hợp với nước dâng do ảnh hưởng của bão trong tháng 10-11/2023. Từ tháng 10-12/2023, khu vực ven biển Đông Nam Bộ xuất hiện 6 đợt triều cường ở mức cao: Đợt 1 từ ngày 1-4/10, đợt 2 từ ngày 16-18/10, đợt 3 từ ngày 28-31/10, đợt 4 từ ngày 14-17/11, đợt 5 từ ngày 25-29/11 và đợt 6 từ ngày 12-18/12.
Các đợt triều cường này nếu trùng vào thời kỳ gió mùa Đông Bắc có cường độ mạnh tràn xuống phía Nam, khu vực trũng, thấp ở cửa sông ven biển, vùng ven biển chịu ảnh hưởng của triều cường tại các tỉnh ven biển khu vực Đông Nam Bộ sẽ có nguy cơ ngập, lụt (với xác suất trên 70%).
Anh Thư
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tu-nay-den-het-nam-2023-nguy-co-bao-va-ap-thap-nhiet-doi-se-dien-ra-don-dap-a32489.html