Quản lý bài hát xưa: Cần có quá trình thẩm định cẩn thận

Vấn đề của bài hát “Màu hoa đỏ” đã sớm được làm rõ, tuy nhiên 05 ca khúc bolero gồm: “Cánh thiệp đầu xuân”, “Rừng xưa”, “Chuyện buồn ngày xuân”, “Con đường xưa em đi” và “Đừng gọi anh bằng chú” bị Cục Nghệ thuật biểu diễn cấm lưu hành vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

quan-ly-bai-hat-xua-can-co-qua-trinh-tham-dinh-can-than
Bài hát “Con đường xưa em đi” lại cấm lưu hành gây nhiều tranh luận.

Mấy ngày gần đây, câu chuyện những bài hát bị cấm lưu hành đã khiến dư luận bức xúc, 5 nhạc phẩm bolero đã đi vào đời sống của công chúng không được phép phổ biến khiến giới làm nhạc và dư luận tranh cãi chưa nguôi, thì bài hát “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến, phổ thơ Nguyễn Đức Mậu bị Sở VH,TT&DL Tiền Giang cấm lưu hành đã gây “sốt” trên cộng đồng mạng với nhiều thông tin trái chiều. Ngay sau đó, vị Giám đốc Sở VH,TT&DL Tiền Giang đã nhận trách nhiệm, xin lỗi gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến về việc ra quyết định cấm lưu hành bài hát này.

Vấn đề của bài hát “Màu hoa đỏ” đã sớm được làm rõ, tuy nhiên 05 ca khúc bolero gồm: “Cánh thiệp đầu xuân”, “Rừng xưa”, “Chuyện buồn ngày xuân”, “Con đường xưa em đi” và “Đừng gọi anh bằng chú” bị Cục Nghệ thuật biểu diễn cấm lưu hành vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, thực tế, những bài hát đó đã có một đời sống nhất định trong đời sống xã hội Việt Nam. Ngược lại, cũng có ý kiến tranh cãi, việc để dòng nhạc bolero lên ngôi, chiếm một thời lượng đáng kể trên sóng truyền hình, cho thấy thị hiếu âm nhạc Việt Nam đang đi xuống...

Đành rằng 05 ca khúc bị cấm lưu hành lần này không có gì lớn, bởi vì bolero có hàng nghìn bài hát, ca sĩ không hát bài này sẽ hát bài khác, nhưng nhạc sĩ Thụy Kha cho rằng, xem xét các ca khúc thuộc dòng nhạc này cũng cần có quá trình nghiên cứu cẩn thận, linh hoạt. Phải xét tinh thần tổng thể của bài hát, không nên chỉ vì bài hát nào có chữ “người lính” cũng đáng bỏ đi hay cấm lưu hành.

Tình trạng ca khúc được cấp phép lại bị dừng, thậm chí thu hồi không phải lần đầu tiên xảy ra. Trước đây nhiều ca khúc cũng đã bị cấm rồi lại được lưu hành, điển hình như ca khúc “Ly rượu mừng” (Phạm Đình Chương) từng bị cấm lưu hành trong 41 năm. Đến đầu năm 2016, ca khúc này mới được lưu hành trở lại. Những ca khúc như: “Ai biểu anh làm thinh” (Trầm Tử Thiêng), “Còn chút gì để nhớ” (nhạc Phạm Duy, thơ Vũ Hữu Định), “Nếu hai đứa mình” (Anh Bằng - Lê Dinh)… cũng từng vắng bóng trên sân khấu một thời gian dài trước khi được cấp phép lưu hành trở lại.

Ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định, 5 ca khúc bị dừng lưu hành nêu trên “không có vấn đề về tư tưởng, chính trị” mà chỉ vì có sự chưa đồng nhất về mặt ca từ, không rõ về tên tác giả và có nhiều dị bản khác nhau, thậm chí nhiều bài được cho là phần lời không đúng với nguyên gốc. Đơn cử như ca khúc “Đừng gọi anh bằng chú” thường được chú thích là của nhạc sĩ Diên An, nhưng trên thực tế đây lại là tác phẩm do nhạc sĩ khác sáng tác. Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gửi văn bản đến các trang mạng nghe nhạc trực tuyến, hãng băng đĩa... để tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc này. Bởi nếu tiếp tục lưu hành việc sai lời, sai tác giả… sẽ còn ảnh hưởng đến quyền tác giả và các quyền liên quan.

“Trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tiến hành thẩm định, rà soát, so sánh, đối chiếu những bài hát đã cấp phép sử dụng với những bản nhạc gốc do các đơn vị, cá nhân cung cấp với nguồn dữ liệu từ việc thu thập, sưu tầm nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng nội dung các bài hát, việc hoạt động sản xuất chương trình bản ghi âm, ghi hình và tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Đặc biệt, trong thời gian tới không ngoại trừ khả năng nhiều ca khúc khác từng được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép cũng sẽ phải tạm dừng lưu hành để đơn vị này đối chiếu, thẩm định lại về vấn đề ca từ cũng như tên tác giả”, ông  Chương cho biết thêm.

Có thể ở một thời điểm khác, 05 ca khúc “Cánh thiệp đầu xuân”, “Rừng xưa”, “Chuyện buồn ngày xuân”, “Con đường xưa em đi” và “Đừng gọi anh bằng chú” sẽ được Cục Nghệ thuật biểu diễn xem xét cho được phép lưu hành trở lại. Bởi vì, 05 bài hát dễ đi vào lòng người này đã được không ít người ngân nga, là những bài hát rất được ưa chuộng của dòng nhạc bolero, dù viết để nói về tâm trạng người lính ở chế độ ngụy quyền, nhưng không mang tinh thần phản chiến với đất nước. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là quản lý như thế nào để tránh trường hợp cho phép phổ biến rồi lại thu hồi các ca khúc trong thời gian qua.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Chương cho biết: “Ở Cục Điện ảnh, khi duyệt phim chiếu ra rạp thì hội đồng duyệt phim gồm nhiều thành viên, đến từ nhiều đơn vị nghệ thuật. Trong đó có cả những đạo diễn gạo cội nên việc thẩm định được chính xác và chuẩn chỉ hơn. Đối với việc thẩm định bài hát bolero ở Cục Nghệ thuật biểu diễn thì hơi khó, vì hội đồng thẩm định bài hát nhạc xưa không có mặt của cơ quan an ninh văn hóa, hay phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các nhạc sĩ gạo cội, nên đã xảy ra các trường hợp sai sót, bài hát được phép phổ biến, nhưng sau khi thẩm định thấy chất lượng không ổn thì bị thu lại... Đây cũng là một bất cập mà trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện”.

Hạnh Nguyễn

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/quan-ly-bai-hat-xua-can-co-qua-trinh-tham-dinh-can-than-a3244.html