Sáng 29/6 đã xảy ra vụ sạt lở tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, làm 2 người bị vùi lấp, một số người bị thương, nhà cửa của người dân bị hư hại. Tại một số địa phương đã xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở, gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân ngay trong giai đoạn đầu mùa mưa. Trong đó, rạng sáng ngày 5/7, mưa lớn đã làm 2 người chết (do sập nhà) tại xã Ngầm Đăng Vài, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang...
Tại các tỉnh phía Nam cũng liên tiếp diễn ra tình trạng sạt lở đất. Trong đó, tỉnh An Giang, trong ngày 3/7, trên tuyến đường bờ Nam kênh Đào, thuộc xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú xảy ra sạt lở một đoạn với tổng chiều dài khoảng 5 m, ăn sâu vào mặt đê 2,5 m. Cùng ngày, trên tuyến kênh Mương Sung, thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới, xảy ra rạn nứt, sụt lún đất với tổng chiều dài khoảng 45 m.
Để khẩn trương khắc phục hậu quả vụ sạt lở nêu trên và chủ động bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng trong mùa mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai công tác phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai…
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho thấy tính cấp bách của việc chủ động triển khai công tác phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là khi chỉ khoảng một tháng nữa đến giai đoạn cao điểm mùa mưa bão.
Khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương đang cho thấy sự vào cuộc đầy tích cực. Tại Lâm Đồng, TP Bảo Lộc tiến hành kiểm tra, rà soát đã tiếp tục phát hiện có đến 54 vị trí, khu vực có nguy cơ cao xảy ra sụt lún, sạt lở đất và ngập úng cục bộ khi xảy ra mưa lớn. Theo ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, để chủ động ứng phó với thiên tai, địa phương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh để thực hiện có hiệu quả. Về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư được địa phương chuẩn bị chu đáo sẵn sàng huy động trong các tình huống khẩn cấp đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”. Thông qua công tác kiểm tra, rà soát, địa phương cương quyết xử lý các công trình xây dựng vi phạm có nguy cơ xảy ra sụt lún, sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân. Thành phố cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bị động trong công tác phòng chống thiên tai; chủ động rà soát, nắm chắc các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, sạt trượt công trình để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tính mạng, tài sản cho người dân trong mùa mưa bão.
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc hay khu vực miền Trung đều là những đạ phương chịu nhiều tác động của mưa lớn, ngập lục hay sạt lở, nhiều biện pháp ứng phó được đồng loạt thực hiện. Đơn cử như tại Hà Giang, tỉnh đã triển khai thực hiện các phương án phòng, chống lũ lụt, sạt lở, bão lốc; rà soát các khu dân cư đang sống dọc ven sông, ven suối, vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ sạt lở; sơ tán nhân dân, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của dân; thông báo tình hình mưa lũ, ngập lụt để người dân chủ động ứng phó.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, bão lũ. Rà soát, bổ sung thêm các phương án phòng chống thiên tai phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu để phục hồi sản xuất; thực hiện các hoạt động tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường sau thiên tai… giảm mức thấp nhất về thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trên địa bàn.
Tỉnh Lai Châu thực hiện diễn tập thực hành ứng phó bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn gắn với xử trí tình huống giả định về thiên tai như lốc xoáy, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… Tại Sơn La, Công ty Thủy điện Sơn La vừa phối hợp với các huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu), Mường La (tỉnh Sơn La) tổ chức diễn tập ứng phó bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 tại Nhà máy Thủy điện Lai Châu và Sơn La.
Tại Nghệ An, trước tình trạng sạt lở, ngập lụt trên địa bàn các huyện miền Tây Nghệ An, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng, các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An đã tham mưu các giải pháp xây dựng, củng cố các công trình tại nơi sạt lở và có nguy cơ sạt lở, ngập úng, di dời những hộ dân đến nơi an toàn. Các ban ngành, đoàn thể, cơ quan chức năng vào cuộc rất chủ động, quyết liệt; có kế hoạch, phương án cụ thể trong các tình huống; đề ra nhiều biện pháp phòng chống. Đồng thời, làm tốt công tác thông tin, dự báo về diễn biến thời tiết, cảnh báo thiên tai; tuyên truyền, vận động người dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống, góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ứng phó với tình trạng sạt lở kéo dài, các tỉnh Nam Bộ cũng tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất và chủ động ứng phó sạt lở trong mùa mưa. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh) được giao nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Khẩn trương khảo sát cập nhật các khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở vào kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông. Tham mưu báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, đề xuất hỗ trợ vốn đầu tư khắc phục, đề xuất danh mục, hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư đối với những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm để kịp thời triển khai thực hiện khi được bố trí vốn.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã chủ động kiểm tra, rà soát, để kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún đất. Qua đó, có giải pháp khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/cac-dia-phuong-khan-truong-ung-pho-thien-tai-mua-mua-lu-a32074.html