Kỳ thi năm 2023 đã qua và cả những kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm trước, chúng ta luôn thấy xuất hiện những thí sinh rất "đặc biệt". Đáng lẽ ra, với lứa tuổi này - họ đã hoàn thiện việc học hành, đã dự thi từ vài chục năm về trước. Thế nhưng, vì nhiều lý do khách quan, chủ quan khác nhau, nhiều người đến với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chậm trễ so với tuổi đời.
Có những người đến với kỳ thi với một mục đích rõ ràng để theo đuổi đam mê, ước mơ học hành còn dang dở thời tuổi trẻ. Đó dường như là việc phải hoàn thành, một điều cần làm trong cuộc đời mình, một dấu mốc để bước qua, khi ở đúng lứa tuổi chưa làm được nên lớn tuổi rồi họ cũng quyết tâm phải làm bằng được.
Và, cũng có những người muốn là tấm gương cho con cháu của mình noi theo, nhất là tinh thần chăm chỉ học hành.
Nhưng, cho dù những thí sinh lớn tuổi đến với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông bằng lí do gì chăng nữa thì việc họ ôn luyện tham dự kỳ thi sau khi đã bỏ dở chuyện học hành hàng chục năm trời cũng đáng trân trọng. Họ đã và đang là những tấm gương sáng về học tập, phấn đấu giữa bộn bề công việc gia đình, xã hội…
Những thí sinh "đặc biệt" trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023
Bà Nguyễn Thị Kim Chi đã 64 tuổi nhà ở quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh là một thí sinh đặc biệt như thế.
Dù ở cái tuổi này đáng lẽ đang nghỉ ngơi, xum vầy bên con cháu nhưng bà vẫn quyết tâm theo đuổi việc học và tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 với mong muốn có kết quả tốt và có thể ứng tuyển vào ngành sư phạm Toán của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Ở tuổi 46, ông Đặng Văn Ảnh (trưởng thôn Liên Tài Năng, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cũng miệt mài học tập và tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Ông Ảnh muốn học và tham dự kỳ thi vừa để làm gương cho con cháu, vừa để nâng cao trình độ để làm việc tốt hơn, đóng góp cho quê hương nhiều hơn nữa.
Mơ ước trở thành thầy giáo nên anh Hoàng Huy Tiến (sinh năm 1985 tại Thanh Hóa) đã quyết định đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông để đủ điều kiện dự thi đại học Hồng Đức, chuyên ngành sư phạm Toán - Hóa, nhằm thực hiện ước mơ sau 20 năm dang dở. Hiện, anh Tiến đang đang là Giám đốc một doanh nghiệp.
Thí sinh Y Sem Ja, sinh năm 1972 (dân tộc M'nông) thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) cũng là trường hợp đặc biệt. Được biết, vào năm 1990, khi học xong cấp trung học cơ sở, anh Y Sem tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau đó, anh về quê lấy vợ, sinh con rồi tham gia Hội cựu chiến binh tại địa phương. Hiện nay, anh công tác ở Ủy ban nhân dân xã Yang Tao (huyện Lắk).
Còn rất nhiều những thí sinh đặc biệt khác đã tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người đều có khát vọng, ước mơ riêng nhưng tựu trung lại, họ đều là những người có một khát khao học tập, khát khao khẳng định mình.
Đặc biệt là với trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Chi - người đã quay trở lại việc học tập của mình từ nhiều năm trước, khi bà bắt đầu học lại từ chương trình lớp 6. Một nghị lực phi thường mà không phải ai có đủ can đảm để thực hiện như bà Chi - người phụ nữ được các cháu gọi thân mật là "bà nội U70".
Nếu không có quyết tâm, không có khát khao, hy vọng thì có lẽ những thí sinh lớn tuổi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay sẽ không dám chọn cách quay lại học hành ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, cùng với những người bạn học chỉ đáng tuổi con cháu mình. Nhưng, họ đã làm được, họ đã tham dự kỳ thi với một tâm thế thoải mái và tự tin nhất.
Thí sinh Nguyễn Thị Kim Chi tại kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học 2023. Ảnh: GD
Những thí sinh lớn tuổi dự thi lan tỏa việc học tập suốt đời, học chưa bao giờ là muộn
Có lẽ, khi đọc thông tin về những tấm gương học tập không ngừng, những thí sinh lớn tuổi tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay trên báo chí và các phương tiện truyền thông thì mọi người đều dành cho họ một sự trân trọng, cảm phục về ý chí, nghị lực, sự quyết tâm. Cho dù kết quả thi như thế nào thì với các thí sinh này - họ đều chiến thắng, thành công khi vượt qua được chính mình để đến với kỳ thi một cách nghiêm túc và sòng phẳng nhất.
Người Việt có truyền thống hiếu học và thời nào cũng có những tấm gương biết vượt lên từ nghịch cảnh để khẳng định bản thân. Họ không chỉ tạo ra những tấm gương đẹp cho con cháu noi theo mà còn góp phần làm đẹp thêm truyền thống hiếu học, lan tỏa việc học tập suốt đời đến cộng đồng, đến với mọi người.
Việc học không bao giờ là trễ muộn và chuyện học không bao giờ là dễ dàng nếu như chúng ta không có sự đầu tư nghiêm túc - nhất là đối với những người có nhiều năm gián đoạn việc học. Song, chính họ đã chứng minh: khó không có nghĩa là không làm được nếu chúng ta thực sự có quyết tâm.
Đó là bài học cho bao người trẻ đang lãng phí thời gian vô bổ cho những cuộc vui chơi thâu đêm, bên những chiêu trò trái với thuần phong mĩ tục, để có những người phải mang theo sự nuối tiếc cả cuộc đời.
Và như một thí sinh lớn tuổi chia sẻ: "Cuộc đời vẫn đẹp sao!".
Sẽ ý nghĩa biết bao khi mọi người đều muốn học hành, muốn hiểu biết, có kiến thức để thực hiện khát vọng cống hiến, khát vọng làm đẹp cho đời, cho quê hương, đất nước. Những thí sinh lớn tuổi đã từng dự thi trước đây, năm nay và những năm tiếp theo - họ đang góp phần làm đẹp cho truyền thống hiếu học và giàu nghị lực sống của con người Việt Nam ta.
Nguyễn Khanh
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhung-thi-sinh-dac-biet-di-thi-cuoc-doi-van-dep-sao-a31737.html