Thành lập nhiều điểm hiến máu
Tính từ thời điểm tháng 6/2019, Viện Huyết học – Truyền máu trung ương đã thành lập điểm hiến máu cố định ngoại Viện đầu tiên tại địa chỉ 26 Lương Ngọc Quyến (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến nay, sau gần 4 năm, đã có tổng số 5 điểm hiến máu cố định ngoại Viện được thành lập, duy trì và phát triển.
PGS.TS Nguyễn Hà Thanh - Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu trung ương chia sẻ, trong giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng, nhiều hoạt động phải dừng lại thì các điểm hiến máu cố định vẫn được duy trì để người dân thuận tiện đến tham gia hiến máu, trở thành “cứu cánh” trong công tác tiếp nhận máu và đảm bảo nguồn máu cho điều trị.
Các điểm hiến máu cố định được đặt tại các quận nội thành đông dân cư của TP Hà Nội (các quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Ba Đình) và cả ở khu vực ngoại thành (huyện Thanh Trì), mở cửa liên tục từ thứ 3 đến Chủ nhật, nên vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chủ động hiến máu, vừa mở rộng đối tượng, tăng nguồn người hiến máu thường xuyên. Người hiến máu không cần di chuyển xa đến Viện, không cần chờ đến lịch của cơ quan mình, lựa chọn điểm hiến máu cố định gần nhất và đặt lịch dễ dàng qua App Hiến máu. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân ở các địa bàn lân cận đã tranh thủ thời gian đến hiến máu, góp phần hình thành thói quen hiến máu thường xuyên.
Bên cạnh đó, các điểm này còn đáp ứng nhu cầu xét nghiệm và tư vấn sức khoẻ của người dân. Thay vì phải đến trực tiếp các cơ sở y tế và mất nhiều thời gian chờ đợi, ngay cả khi không hiến máu, người dân vẫn có thể đến đây để kiểm tra sức khỏe định kỳ. Đây cũng là điều kiện tốt để Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương hỗ trợ nâng cao chất lượng xét nghiệm cho tuyến cơ sở, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo lãnh đạo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, số người hiến máu thường xuyên tại nước ta ngày càng tăng cao. Nhờ vậy, những năm gần đây, bệnh nhân cũng không còn phải mòn mỏi chờ đợi máu do thiếu nguồn người hiến máu.
Hàng triệu đơn vị máu được tiếp nhận
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 2 triệu đơn vị máu dùng cho điều trị các chấn thương, tai nạn, phẫu thuật, cho người mắc các bệnh cần truyền máu. Cứ mỗi 2 giây lại có những yêu cầu cần thiết liên quan tới truyền máu và trung bình cứ 7 người vào bệnh viện thì có 1 người cần tiếp máu. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chỉ mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu này, nguồn máu dự trữ tại các trung tâm y tế và bệnh viện không đủ để cung ứng khi nhu cầu được truyền máu tăng cao, đặc biệt là trong thời gian hè, lễ, Tết.
Hiến máu có ý nghĩa sống còn với người nhận, vì đến nay vẫn chưa có chế phẩm nào thay thế hoàn toàn cho máu hiến. Tại Việt Nam, hiến huyết tương chưa được triển khai rộng rãi so với hiến tiểu cầu, nhưng là xu hướng được ngành Huyết học - Truyền máu hướng tới. Theo Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, từ năm 2007 đến nay, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các cấp đều tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế người hiến máu hàng năm, nhằm ghi nhận và tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người hiến máu.
Năm 2022, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu, cơ bản đáp ứng nhu cầu máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh; tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 99%; tỷ lệ dân số hiến máu đạt gần 1,5%. Trong hơn 1,4 triệu đơn vị máu của toàn quốc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được 379.161 đơn vị máu, chiếm 26,4% tổng lượng máu tiếp nhận của toàn quốc. Viện cũng đã điều chế và cung cấp được gần 688.000 đơn vị chế phẩm máu tới 181 cơ sở y tế tại 29 tỉnh, thành phố…
Theo báo Đại đoàn kết
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/trao-co-hoi-song-cho-nhieu-nguoi-moi-giot-mau-cho-di-mot-cuoc-doi-o-lai-a31451.html