Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Sẵn sàng nguồn lực hỗ trợ người dân trong tình huống khẩn cấp bởi thiên tai 

Tổng giá trị hỗ trợ, ứng phó thiên tai, thảm họa và đại dịch Covid – 19 năm 2020 Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đạt gần 800 tỷ đồng, trợ giúp cho hơn 1,1 triệu lượt người - Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa năm 2021 do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức sáng 27/4/2021 tại Hà Nội. 

Trợ giúp cho hơn 1,1 triệu lượt người
Hội nghị về công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa là hội nghị thường niên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhằm đánh giá, tổng kết, chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong công tác điều phối, phối hợp phòng ngừa, ứng phó thảm họa, dịch bệnh của năm 2020 trên cơ sở đó, chỉ đạo các cấp Hội chuẩn bị các nguồn lực để có thể chủ động trong phòng ngừa và ứng phó thiên tai, thảm họa. 
Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đại diện các bộ, ngành liên quan; đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế, các đối tác quốc tế trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và Hội Chữ thập đỏ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.


Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hải Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Năm 2020, thiên tai xảy ra trên diện rộng với nhiều loại hình, đặc biệt mưa lũ miền Trung đã gây ra những thiệt hại hết sức nặng nề. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của người dân. Trước tình hình đó, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chỉ đạo toàn hệ thống triển khai các hoạt động một cách kịp thời, hiệu quả; huy động nguồn lực hỗ trợ trong nước và quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng ngừa và ứng phó thiên tai, thảm hoạ. Đồng thời thực hiện hiệu quả các hoạt động truyền thông đối ngoại, tuyên truyền cho đông đảo tầng lớp nhân dân và các đối tác quốc tế, nhất là chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hay của Việt Nam và của Hội trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã hoàn tất việc xây dựng mô hình và Khung hành động sớm theo phương thức “Đầu tư dựa trên cảnh báo” (FbF) đối với loại hình thiên tai nắng nóng. Đây là mô hình và Khung hành động sớm theo phương thức FbF đầu tiên trên thế giới đối với nắng nóng, là đóng góp tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Ông Trần Sĩ Pha - Trưởng ban Quản lý thảm họa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Để kịp thời hỗ trợ người dân miền Trung bị ảnh hưởng mưa lũ trong giai đoạn khẩn cấp và phục hồi, năm 2020, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hiệp hội đã ra Lời kêu gọi trợ giúp tiền và hàng hóa với các lĩnh vực can thiệp: Nhà ở, sinh kế, nước sạch vệ sinh và chăm sóc sức khỏe. Tổng giá trị vận động nguồn lực thông qua 2 Lời kêu gọi là 358 tỷ đồng bao gồm tiền và hàng.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Hội đã đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ trang thiết bị (khẩu trang, quần áo phòng chống dịch, xà phòng, dung dịch sát khuẩn  phòng chống dịch…) tới người dân, lực lượng tuyến đầu chống dịch và nhân dân một số nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổng giá trị hỗ trợ trong nước là 434 tỷ đồng, hỗ trợ quốc tế với trị giá hơn 4,6 tỷ đồng. Đặc biệt, gần 500 phiên chợ Nhân đạo trên khắp các tỉnh thành trên cả nước hỗ trợ hơn 120.000 phiếu mua hàng miễn phí, với tổng kinh phí huy động trên 35,8 tỷ đồng đã giúp người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 có thể tự lựa chọn những mặt hàng phù hợp với nhu cầu. Tổng giá trị hỗ trợ, ứng phó thiên tai, thảm hoạ và đại dịch Covid-19 năm 2020 đạt gần 800 tỷ đồng, trợ giúp cho hơn 1,1 triệu lượt người.


Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Chủ động xây dựng kế hoạch, sẵn sàng ứng phó với thiên tai
Tham dự Hội nghị trực tuyến, bà Kathyn Clarkson-Trưởng đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ-Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực khẳng định: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong trong hoạt động ứng phó với thiên tai thảm họa. Hội đã làm rất tốt công tác hỗ trợ, phục hồi và tái thiết với người dân vùng thiên tai.
Bà Kathyn Clarkson nhấn mạnh: Các thảm họa thiên nhiên sẽ không chờ đợi cho đến khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Thực tế, năm 2020, thiên tai đã ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu người dân Việt Nam. Tình hình sẽ trở lên tồi tệ hơn nếu chúng ta không có sự ứng phó sớm, những người dễ bị tổn thương có nguy cơ rất cao bị bỏ lại phía sau. Trong ứng phó thiên tai thảm họa một lực lượng không thể làm tốt mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, chính quyền các cấp và người dân địa phương. Đặc biệt, việc huy động nguồn lực có ý nghĩa rất quan trọng. Cùng nhau chúng ta hãy xây dựng một cộng đồng an toàn và vững mạnh-bà Kathyn Clarkson nói. Bà Kathyn Clarkson cũng cam kết luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong các hoạt động ứng phó thiên tai thảm họa.
Tiến sĩ Lê Minh Nhật - Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai nhận định: Sự cực đoan của thời tiết là rất lớn. Trước những diễn biến thất thường của thiên tai, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tập trung xây dựng khung dự báo cảnh báo hành động sớm là một phương pháp ứng phó rất hay. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, để làm tốt hơn công tác phòng ngừa ứng phó thiên tai thảm họa, lực lượng Chữ thập đỏ cần có các trang thiết bị bảo hộ thật an toàn, công tác dự báo cảnh báo phải cụ thể, sát hơn với thực tế, xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với vùng thiên tai và chú trọng tài liệu truyền thông đối với cộng đồng.


Năm 2020, tổng giá trị hỗ trợ, ứng phó thiên tai, thảm hoạ và đại dịch Covid – 19 Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đạt gần 800 tỷ đồng.

Ông Trần Sĩ Pha - Trưởng ban Quản lý thảm họa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Để sẵn sàng phòng ngừa và ứng phó thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 trong năm 2021, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chủ động xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai và chỉ đạo toàn hệ thống chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực dự phòng, đa dạng hàng cứu trợ (thùng hàng gia đình, bộ dụng cụ sửa nhà, viên lọc nước, tấm bạt dựng nhà tạm...) để kịp hỗ trợ người dân trong tình huống khẩn cấp; phổ biến rộng rãi hướng dẫn quy trình chuẩn trong ứng phó thiên tai, thảm họa, quy trình cấp phát tiền mặt... đến các cấp Hội; ứng dụng công nghệ thông tin trong ứng phó khẩn cấp; triển khai mô hình đầu tư tài chính dựa trên dự báo (FbF) đối với nắng nóng và xây dựng mô hình tương tự với bão, lụt; xây dựng chuỗi cung ứng hậu cần đảm bảo ứng phó kịp thời, hiệu quả; triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông từ Trung ương tới địa phương. Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030”, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của Hội và phát huy truyền thống “nhanh nhạy, kịp thời, chủ động, chuyên nghiệp và hiệu quả” trong công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa. 
Trần Thu Hương

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hoi-chu-thap-do-viet-nam-san-sang-nguon-luc-ho-tro-nguoi-dan-trong-tinh-huong-khan-cap-boi-thien-tai-a314.html