Nghị lực phi thường của cô giáo không tay ở Thanh Hóa

Câu chuyện về nghị lực phi thường, vượt lên số phận của cô giáo không tay Lê Thị Thắm ở Thanh Hóa khiến nhiều người cảm phục.

“Thấy các bạn kẹp bút vào tay, em cũng lấy bút kẹp vào ngón chân trái để tập viết. Vì chân phải của em ngắn hơn chân trái nên việc kẹp bút viết thành chữ đã khó lại càng khó hơn. Ngón chân nhiều hôm trầy xước, phồng rộp rất đau, khiến nhiều đêm em không thể ngủ”.

Đó là những nội dung được trích trong bài tham luận đầy xúc động tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của cô giáo Lê Thị Thắm (trú xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa).

Nghị lực phi thường vượt lên hoàn cảnh của cô giáo Lê Thị Thắm khiến nhiều người cảm động. Cô Thắm cũng là trường hợp giáo viên được tuyển dụng đặc cách vào giảng dạy ở địa phương dù bị khuyết tật mất cả hai tay. Ước mơ được đứng trên bục giảng của cô cuối cùng cũng thành hiện thực.

Thắm sống trong ngôi nhà cấp bốn nằm cuối con ngõ nhỏ ở thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Cô là chị cả, em trai năm nay 19 tuổi. Cô gái bé nhỏ gây ấn tượng ngay lần gặp đầu bởi nụ cười tự tin và ánh mắt trong trẻo. Dù 24 tuổi nhưng Thắm chỉ cao 1m4, nặng chưa đầy 30kg. Mọi người vẫn hay gọi cô với nickname quen thuộc là “chim cánh cụt”.

Ngày Thắm lọt lòng, người thân phát hiện cô bé sinh ra không có đôi tay như những đứa trẻ khác. Sợ bà Nguyễn Thị Tình không thể vượt qua cú sốc này nên người thân giấu bằng cách quấn em bé trong khăn tã. Một tuần sau, khi cả nhà đang đi cấy ngoài đồng, bà Tình mở tã để thay mới phát hiện con thiếu đôi tay. Bà lặng người, nước mắt cứ thế tuôn chảy.

Bà ôm Thắm vào lòng rồi liên tục xin lỗi con. Bà trách bản thân khi mang thai chỉ thăm khám ở trạm y tế mà không siêu âm cẩn thận, bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bà Tình không có việc làm ổn định, mọi chi tiêu trong gia đình dựa vào đồng lương ít ỏi của chồng là ông Lê Xuân Ân làm nghề phụ hồ.

Tuy nhiên, nụ cười thơ ngây của Thắm khi đó giúp bà bình tĩnh trở lại. Người mẹ nghèo nguyện dành tất cả tình yêu của mình để bù đắp thiệt thòi cho con gái.

Thắm lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ và người thân. Năm 4 tuổi, do gia đình quá khó khăn, người bố tần tảo không thể một mình gánh vác gia đình, tiền thuốc men cho Thắm, nên bà Tình đành đưa con đi gửi nhà trẻ để đi làm thuê.

Cũng từ đây, cô gái tí hon chứng minh nghị lực phi thường khiến ai cũng ngưỡng mộ. Thấy bạn học có bút viết và vở, Thắm cũng đòi mẹ mua, nhưng không dùng tay viết được nên em dùng chân vẽ những đường nguệc ngoạc. Mới tập viết chữ, đôi chân gắp bút nhiều quá nên sưng tấy, cả đêm không ngủ. Nhiều khi đau quá, em quẳng bút ngồi khóc, nhưng một lúc sau lại nhặt bút và tiếp tục luyện viết.

Năm lên 5 tuổi, Thắm khiến giáo viên ngỡ ngàng khi không chỉ viết thành thạo bảng chữ cái mà còn đọc được số và sách lớp 1. Con đường đến với tri thức từ đó thắp sáng tâm trí cô bé ngây thơ. Đặt chân vào trường tiểu học, những ngày đầu, Thắm về hỏi mẹ: "Sao con không có tay giống các bạn ạ? Bao giờ tay con sẽ mọc ạ?”

Biết không thể giấu mãi được, bà Tình nuốt nước mắt vào trong, ôm con rồi bà kể cho con sự thật. Bà động viên Thắm hãy vẽ tiếp cuộc đời bằng chính đôi chân của mình.

Những năm tháng tới trường, bên cạnh niềm vui thì Thắm cũng trải qua nhiều khó khăn, tủi hờn của người "không có tay".

“Nhìn bạn bè cùng trang lứa vui vẻ chơi đánh ô ăn quan, nhảy dây mà em chỉ có thể ngồi một mình, em rất tủi thân. Một số bạn còn chỉ vào em và nói là “ôi bé cụt tay kìa”, “chim cánh cụt kìa” là em chỉ biết về nhà khóc với mẹ”, Thắm nói.

Cô gái trẻ nhớ như in câu nói của mẹ tạo động lực cho em tiến lên đến hôm nay. “Con phải cố gắng hơn nữa, người bình thường cố gắng một thì con phải cố gắng gấp 20 lần. Trên đời này còn rất nhiều người thiệt thòi hơn mình, con phải cố gắng để trở thành người có ích cho xã hội”.

Mẹ cũng là cô giáo thứ hai, ngoài giúp đỡ em mọi việc thì mẹ còn đưa ra những lời khuyên tốt nhất để em tốt hơn và phát triển hơn trong tương lai”, Thắm nghẹn ngào.

Suốt 12 năm Thắm tới trường cũng là 12 năm bà Tình không quản ngại nắng mưa, chở con đi học trên chiếc xe đạp cà tàng. Cô con gái nhỏ đã chứng minh cho mẹ và mọi người về câu nói “tàn nhưng không phế”. 12 năm đèn sách em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và hàng loạt giải xuất sắc ở cuộc thi viết chữ đẹp, thi vẽ toàn tỉnh Thanh Hóa.

Ngày bước vào kỳ thi đại học, sức khỏe không tốt cùng áp lực khiến Thắm bị ngất hai lần, bà Tình phải đưa con ra phòng y tế để phục hồi sức. Tỉnh dậy Thắm lại đòi vào làm bài nhưng không đủ sức. Kết quả Thắm không đủ điểm đỗ.

Thấy con buồn bã, bà Tình đánh liều đến trường đại học gặp thầy hiệu trưởng để nói về ước mơ muốn trở thành giáo viên của con mình. Cảm phục trước tinh thần ham học, nghị lực phi thường của Thắm, khi đó thầy Nguyễn Mạnh An - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức đặc cách nhận em khoa Sư phạm Tiếng Anh, hệ đại học.

Ra trường năm 2020, Thắm về làng và bắt đầu thực hiện ước mơ đứng trên bục giảng của mình. Lớp học của cô giáo tí hon rộng chưa đến 20 m2, được xây cạnh sân nhà, bên trong đầy đủ máy chiếu và quạt điện. Hè năm nay, Thắm dạy cho 35 học sinh từ lớp 2 đến lớp 9.

Thắm nghĩ sẽ dạy miễn phí cho trẻ em trong làng một vài buổi, nhưng không ngờ một số phụ huynh gửi con học thêm để nâng cao kiến thức ngày một đông. Thắm quyết định mở lớp dạy thêm tại nhà, rồi xin bố mẹ mua thêm trang thiết bị để thuận tiện cho việc giảng dạy. Cứ thế, lớp học của cô giáo Thắm ngày càng đông học sinh trong làng đến học.

“Ở quê đa số các em học sinh đều có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ làm nông nghiệp. Mở lớp học thêm, em luôn tâm niệm giúp đỡ các em nhỏ là chính, giúp đỡ các em trong việc học.

Ngày xưa đi học em cũng được thầy cô, bạn bè giúp đỡ rất nhiều, bây giờ mình phải chia sẻ lại, cũng là một cách em cảm ơn những người trước đây từng giúp đỡ mình. Nhiều học sinh khó khăn em không thu học phí”, Thắm nói.

Bà Tình vui vì con hoàn thành được ước mơ đứng trên bục giảng nhưng sâu thẳm trong lòng bà vẫn lo lắng cho sức khỏe con. Thắm sức khỏe yếu, hay đau ốm khi trái gió trở trời. Cách đây 3 năm, cô phải tháo bớt các phần xương khớp tay. Thắm mắc các bệnh xương yếu, thoái hóa đốt sống, phải sử dụng thuốc thường xuyên.

Mỗi lần cô giáo ốm là cả lớp nghỉ học, các em gọi điện nháo nhào. Nhiều em học sinh chạy sang nhà mua sữa cho cô, giục cô ăn uống cho nhanh khỏe để tiếp tục dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ nghèo trong xã.

Từ năm học tới, Thắm sẽ được đứng trên bục giảng, được quan sát, giảng dạy cho học sinh trên lớp và cống hiến trong một môi trường giáo dục. Cô gái trẻ sẽ có cơ hội thực hiện ước mơ của cuộc đời mình.

"Trước khi mặt trời mọc là khoảng thời gian tăm tối nhất. Bạn của tương lai đừng quên mình ở hiện tại. Cứ đi về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn. Bây giờ dù bạn đang đứng ở đâu cũng đừng quên rằng bản thân bạn sẽ luôn tiến về phía trước", Thắm chia sẻ.

Theo VTC News

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nghi-luc-phi-thuong-cua-co-giao-khong-tay-o-thanh-hoa-a31334.html