Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển hơn 4.000 đơn vị máu hỗ trợ miền Tây

Ngoài 4.000 đơn vị hồng cầu lắng đã chuyển, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm máu và các chế phẩm máu về Cần Thơ trong 3 tháng tới.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, đại diện Trung tâm truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đã lập tức rà soát khả năng cung ứng máu của đơn vị ngay sau khi nhận công văn của Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TP Cần Thơ về tình trạng thiếu máu ở miền Tây. 

Theo đó, trong tháng 4 và 5, Trung tâm truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy đã hỗ trợ cho Cần Thơ 4.000 đơn vị hồng cầu lắng và 27 khối tiểu cầu gạn tách. Trong các tháng 6,7,8, bệnh viện sẽ tiếp tục hỗ trợ mỗi tháng 1.000 đơn vị hồng cầu lắng.

Đại diện Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng lượng hồng cầu lắng chỉ đáp ứng 50% theo đề nghị của Cần Thơ.

Tuy nhiên, việc cung ứng tiểu cầu gạn tách lại khó khăn hơn và không đủ so với đề nghị. Nguyên nhân là Trung tâm Truyền máu của Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ sản xuất được tối đa 60-65 khối tiểu cầu, sử dụng tại bệnh viện khoảng 50 khối/ngày nên lượng còn lại rất ít. Hơn nữa, tiểu cầu chỉ lưu trữ được trong 5 ngày.

Kho lưu trữ và cấp phát của Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy. Ảnh: GL.

Thực tế mỗi tháng, Trung tâm truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy đặt mục tiêu tiếp nhận từ 13.000 đến 15.000 đơn vị máu/tháng. Tuy nhiên, con số này giảm còn 80% vào mùa hè do lượng người hiến giảm, tương ứng còn khoảng 12.000 đơn vị. 

Số lượng này dùng để cung cấp cho Bệnh viện Chợ Rẫy và các bệnh viện miền Đông Nam Bộ. Trong kho dự trữ khoảng 2% cơ số máu cho tình huống thiên tai, thảm họa. Phần dự trữ được trích ra và hỗ trợ Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TP Cần Thơ.

Đây là lần đầu tiên Trung tâm truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy phải hỗ trợ máu cho Tây Nam Bộ. 

Tuy nhiên, trung tâm luôn cố gắng hết sức để hỗ trợ. Gần nhất là sáng nay, đơn vị này vừa gửi 20 khối tiểu cầu gạn tách và Cần Thơ đưa xe chuyên dụng lên tiếp nhận, vận chuyển. Trong trường hợp cần gấp hồng cầu lắng, tiểu cầu, Trung tâm vẫn sẽ cố gắng điều phối.

4.000 đơn vị hồng cầu lắng và 27 khối tiểu cầu gạn tách đã được chuyển về miền Tây. Ảnh: GL.

Trước đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đã giao Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trung tâm Máu Quốc gia, làm đầu mối điều phối, phối hợp với các trung tâm truyền máu thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM và các trung tâm truyền máu khác, bảo đảm cung cấp máu và chế phẩm để hỗ trợ các bệnh viện thuộc phạm vi cung cấp máu của Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TP.Cần Thơ.

Yêu cầu đặt ra là "phải có đủ máu cho cấp cứu và điều trị người bệnh, không để thiếu gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh và chất lượng khám chữa bệnh".

Tình trạng thiếu máu cho cấp cứu, điều trị xảy ra ở các bệnh viện miền Tây từ đầu năm 2023 do Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TP Cần Thơ khó khăn trong đấu thầu, mua sắm túi máu, hóa chất, vật tư y tế cho tiếp nhận, sàng lọc và cung cấp chế phẩm máu.

Từ tháng 3 đến hết ngày 6/6, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM, Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều phối, hỗ trợ cung cấp 20.205 đơn vị khối hồng cầu cho Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TP Cần Thơ. 

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/benh-vien-cho-ray-chuyen-hon-4000-don-vi-mau-ho-tro-mien-tay-a31126.html