Thiếu máu vì không có túi đựng
BS Lê Hoàng Phúc - Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết, tình trạng thiếu máu diễn ra thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều trị của bệnh viện. Thời gian gần đây, Bệnh viện chỉ cung ứng được khoảng 25% nhu cầu của bệnh nhân. Trung bình 1 ngày bệnh viện có khoảng hơn 150 trường hợp chỉ định truyền máu, chế phẩm máu. Trong đó, cấp cứu chiếm 1/2.
“Một số phẫu thuật chương trình phải dừng lại để chờ có chế phẩm máu mới thực hiện được. Trong quá trình phẫu thuật bắt buộc phải truyền máu do mất máu, phải chuẩn bị máu trước. Nếu liên hệ không có máu thì bắt buộc phải chờ khi nào có máu mới phẫu thuật” - BS Phúc thông tin.
Để giải quyết tình trạng này, Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ đã ký hợp đồng với Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) để có thêm nguồn cung cấp máu. Tuy nhiên, đối với chế phẩm tiểu cầu thì thời gian bảo quản rất ngắn, chỉ từ 3-5 ngày, không thể mang về dự trữ được.
Không riêng ở Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ, tình trạng thiếu máu để điều trị cũng diễn ra ở 74 cơ sở y tế của ĐBSCL (thuộc phạm vi cung cấp máu của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ). Báo cáo của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu cho biết, gần 1 năm qua, Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Cần Thơ cung cấp không đủ nhu cầu sử dụng cho người bệnh. Bệnh viện hết sức tiết kiệm trong sử dụng máu, chế phẩm máu. Tuy nhiên, cuối tháng 5/2023, Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Cần Thơ thông báo tạm dừng cung cấp máu, chế phẩm máu mà chỉ cung cấp cho người bệnh cấp cứu. Trước yêu cầu bức thiết về máu, chế phẩm máu, Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu đã báo cáo về Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) để xin ý kiến chỉ đạo hướng giải quyết khẩn cấp cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu.
BS Nguyễn Xuân Việt - Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ cho hay, hiện bệnh viện còn máu phục vụ cho việc cấp cứu, nhưng hết chế phẩm và nhóm máu hiếm, đặc biệt là tiểu cầu, để cấp cứu. “1 tháng bệnh viện cung cấp 12.000 đến 15.000 đơn vị máu (máu đã sàng lọc) cho 74 đơn vị y tế ở ĐBSCL. Chúng tôi đã hết túi đựng máu và phải mua máu ở Viện Huyết học Truyền máu trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy… từ nhiều tháng nay. Trong kho hiện còn số lượng máu dành cho cấp cứu, không đủ dùng cho điều trị” - BS Việt cho biết.
Theo BS Việt, nguồn máu tại BĐSCL không thiếu bởi người hiến máu rất nhiều. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh viện thiếu túi đựng máu và các hóa chất xét nghiệm sàng lọc. Từ đó, bệnh viện không đủ máu để cung cấp cho các đơn vị y tế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khó khăn trong công tác đấu thầu.
Nhiều giải pháp quyết liệt để khắc phục
Trước tình trạng trên, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã gửi công văn yêu cầu phối hợp bảo đảm cung cấp máu và chế phẩm máu trong cấp cứu, điều trị cho người bệnh. Theo đó, trước mắt, Cục Quản lý khám, chữa bệnh giao Giám đốc Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, Trung tâm máu Quốc gia làm đầu mối điều phối, phối hợp với các trung tâm truyền máu thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện trung ương Huế; Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM và các trung tâm truyền máu khác, bảo đảm cung cấp máu và chế phẩm để hỗ trợ các bệnh viện thuộc phạm vi cung cấp máu của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ có đủ máu cho cấp cứu và điều trị người bệnh. Tuyệt đối không để thiếu máu, gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh và chất lượng khám, chữa bệnh.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh giao Sở Y tế Cần Thơ, khẩn trương chỉ đạo Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ thực hiện ngay các giải pháp trước mắt và lâu dài để cung cấp đủ máu và chế phẩm máu cho các bệnh viện trong phạm vi bao phủ cung cấp máu, chế phẩm được giao. Chịu trách nhiệm nếu thiếu máu, chế phẩm gây ảnh hưởng đến người bệnh.
BS Nguyễn Ngọc Việt Nga - Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho biết, quy định về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế thời gian qua thay đổi liên tục dẫn đến việc thẩm tra hồ sơ đấu thầu bị chậm.
Bà Nga cho hay, UBND TP Cần Thơ đã ban hành quyết định phê duyệt dự toán gói thầu mua sắm của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ và đang khẩn trương thực hiện các bước còn lại. Trung tâm Truyền máu - huyết học của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TPHCM cũng đã cam kết cung cấp máu cho các bệnh viện khu vực ĐBSCL trong thời gian 2 tháng để Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ tổ chức đấu thầu rộng rãi.
“Bộ Y tế cũng có công văn gửi Viện Truyền máu - Huyết học trung ương, các trung tâm huyết học - truyền máu trên toàn quốc sẵn sàng hỗ trợ cho ĐBSCL nếu có đề xuất. Về mặt cung cấp máu cho khu vực ĐBSCL thì đảm bảo bệnh nhân không thiếu máu” - bà Nguyễn Ngọc Việt Nga - Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ khẳng định.
THANH TIẾN
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/khan-cap-khac-phuc-tinh-trang-thieu-mau-a31087.html