Hoàn cảnh ra đời
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Trước vận mệnh đất nước đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” vì thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Với ý chí “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên kháng chiến, chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc để giành thắng lợi to lớn hơn. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị xác định “... mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc trên cả nước. Người chỉ rõ: Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Người kêu gọi: Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của Nhân dân và Quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách và thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Thi đua đã thực sự trở thành một động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đồng thời là sự kết tinh và thể hiện tập trung những nội dung cơ bản tư tưởng của Người về thi đua ái quốc; là văn kiện chứa đựng những chỉ dẫn quý báu, có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước; đặc biệt là thể hiện sự rõ nét tính hệ thống và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, về xây dựng đời sống mới, xã hội mới, con người mới.
Vận dụng thực tiễn
Thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 75 năm qua, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua - khen thưởng, về phát động phong trào thi đua yêu nước ngày một hoàn thiện, bám sát thực tiễn, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân.
Vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, tỉnh Đồng Tháp cùng với cả nước đã tích cực tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước đạt nhiều kết quả thiết thực. Đặc biệt, các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo; về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh Đồng Tháp trong sạch, vững mạnh; “Đồng Tháp đẩy mạnh Chương trình chuyển đổi số”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Thi đua quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc”, “Dạy tốt, học tốt”, “Dân vận khéo”... Thi đua cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao điểm số các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai; phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh... từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Những kết quả đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua - khen thưởng đã thật sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, kinh nghiệm, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
NP
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/van-dung-sang-tao-loi-keu-goi-thi-dua-ai-quoc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-a31026.html