BHXH Việt Nam (VN) đang báo cáo, trình Hội đồng quản lý BHXH đề xuất tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) từ ba nguồn quỹ là BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN).
Hàng triệu người sẽ được hưởng lợi
Thứ nhất, tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất trong sáu tháng đối với người sử dụng lao động là DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đóng đủ BHXH vào hai quỹ này đến hết tháng 4-2023 mà bị giảm từ 10% lao động tham gia BHXH so với thời điểm 31-12-2022. Nếu chính sách được thực thi sẽ có khoảng 1.200 đơn vị, tương ứng khoảng 250.000 người được hưởng lợi.
Theo BHXH VN, dự kiến số dư Quỹ BHTN chuyển năm 2024 sau khi chi hỗ trợ và chi các chế độ BHTN theo Luật Việc làm còn gần 39.000 tỉ đồng. Với số kết dư Quỹ BHTN dự kiến đến hết năm 2023 đảm bảo ngân sách nhà nước không phải hỗ trợ quỹ, đảm bảo cân đối thu - chi dài hạn. Về Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN, BHXH, ước tính đến ngày 30-6 còn kết dư 64.934 tỉ đồng.
Thứ hai, giảm đóng vào Quỹ TNLĐ-BNN từ 0,5% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ tham gia bảo hiểm TNLĐ-BNN, thời gian từ tháng 7-2023 đến tháng 12-2024. Đối tượng hưởng thụ chính sách là người sử dụng lao động tại DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang tham gia bảo hiểm TNLĐ-BNN tính đến ngày 31-5. Theo đó, sẽ có khoảng 490.000 đơn vị, tương ứng 12,56 triệu NLĐ được miễn đóng tiền vào quỹ này.
Thứ ba, hỗ trợ một lần bằng tiền cho NLĐ từ kết dư Quỹ BHTN với mức 1,7 triệu đồng/người. Đối tượng là người đang tham gia BHTN tại DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tính đến ngày 31-5, bao gồm các trường hợp đang làm việc và hưởng lương tại đơn vị; đang nghỉ việc hưởng chế độ BHXH; đang nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, làm việc từ ngày 1-1 đến hết 31-5; NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động, làm việc từ ngày 1-1 đến hết 31-5 mà chưa có việc làm (trừ người đang hưởng lương hưu). Dự kiến sẽ có 13,5 triệu người được hỗ trợ.
Theo BHXH VN, việc đề xuất chung một mức hưởng là để đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng và đề cao nguyên tắc chia sẻ của chính sách BHTN khi gặp khó khăn khách quan. Từ kinh nghiệm triển khai gói hỗ trợ trước khi chia các mức hưởng, dẫn đến phức tạp trong thực hiện do phải phân loại thời gian đóng BHTN. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy khi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 đều áp dụng một mức chung, vì trong hoàn cảnh khó khăn thì ảnh hưởng đến đời sống của người dân là như nhau.
Đang nghiên cứu gói hỗ trợ
Theo cơ quan bảo hiểm, chính sách trên sẽ giúp người sử dụng lao động giãn các khoản chi phí phát sinh, tập trung nguồn lực phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19. Hỗ trợ cũng giúp NLĐ tại các DN gặp khó khăn ổn định cuộc sống, gắn bó với đơn vị, giảm phát sinh biến động lao động trên thị trường. Khi đó, cả DN và NLĐ đều thấy được chính sách bảo hiểm là “giá đỡ” cho NLĐ gặp khó khăn, từ đó khuyến khích họ tham gia, chấp hành các quy định về đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm.
Tuy nhiên, BHXH VN cho biết hiện Luật BHXH chưa có quy định tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất đối với đơn vị không tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Luật Việc làm chưa có quy định về hỗ trợ bằng tiền đối với NLĐ đang trong quan hệ hợp đồng lao động, làm việc. Vì vậy cần trình Chính phủ, Quốc hội chấp thuận. Với ba chính sách trên, dự kiến tổng kinh phí khoảng 31.600 tỉ đồng. Trong đó, tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất khoảng 1.700 tỉ đồng; giảm đóng cho người sử dụng lao động vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN khoảng 6.900 tỉ đồng và hỗ trợ NLĐ từ Quỹ BHTN khoảng 23.000 tỉ đồng.
“Trước đó, quỹ đã có nhiều gói hỗ trợ NLĐ và DN. Nhưng hiện nay tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư tư nhân trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp do nhu cầu giảm sút. Do đó, nhiều DN phải cắt giảm lao động hàng loạt khiến thu nhập và đời sống của NLĐ gặp nhiều khó khăn…” - BHXH VN cho hay.
Một chuyên gia về lao động và xã hội nhận định việc BHXH đề xuất gói hỗ trợ trên là rất kịp thời trong tình hình khó khăn như hiện nay. Cạnh đó, Chính phủ cần dùng ngân sách hỗ trợ lao động tự do, trong đó giảm bớt các thủ tục không cần thiết để họ tiếp cận được chính sách vì gói này chỉ hỗ trợ những người đang tham gia bảo hiểm. Về phía Bộ LĐ-TB&XH, lãnh đạo bộ đang chỉ đạo các cơ quan trực thuộc nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ do trước đó Thủ tướng yêu cầu bộ này chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng đề án ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ.
Cần gói hỗ trợ người lao động
Tại buổi phát biểu ở hội trường Quốc hội vào ngày 27-5, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết theo báo cáo của các cơ quan, số lượng NLĐ bị mất việc làm, cắt giảm giờ làm gần đây rất lớn, lên đến hơn 500.000 người. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội có gói hỗ trợ khẩn cấp để hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ NLĐ, gia đình chính sách, gia đình có người mất trong đại dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/de-xuat-goi-31600-ti-ho-tro-nguoi-lao-dong-doanh-nghiep-a31025.html