16.000m2 đất hiến của 25 hộ dân huy động trong thời gian kỷ lục để mở rộng gấp đôi con đường bê tông cũ dài gần 2,5km từ đầu cổng chào nối sang tận xã bên. Đây là chiến tích mà đi đâu ông Đỗ Công Đĩnh cũng tự hào khoe, dù rằng ít ai biết ở thời điểm cuối năm 2022, sau khi họp dân, nhà nhà nhất tề hưởng ứng mở rộng đường nhưng mọi chuyện lại rẽ sang hướng khác.
"Chính hôm bắt đầu khởi công là tôi cho làm từ ngoài vào, vừa phá được cái cổng làng cũ thì vấp luôn. Vấp ngay hộ đầu tiên họ không cho làm, họ nói họp thì họp nhưng bây giờ lấy của tôi nhiều đất quá, cứ cầm gậy 7m đặt đến đâu lấy đến đấy. Cuối cùng tôi phải dừng lại, cho họp chi bộ mở rộng, thống nhất đảng viên gương mẫu rồi quay lại đánh ngay của nhà mình trước, khi rộng hết rồi, họ nhìn thấy lại tiếp tục đánh từ dưới đi lên, rộng mênh mông tất cả rồi phía cổng làng làm sau cùng", ông Đĩnh chia sẻ.
Thôn Chính Tiến nằm sát ngay chợ Bến Đền, bám theo con suối Ngòi Bo ra đến sông Hồng, giáp ranh với thành phố Lào Cai sầm uất. Khu vực này cũng nằm trong vùng nông nghiệp trọng điểm của Bảo Thắng. Tấc đất tấc vàng, 1.200m2 đất ông Đĩnh tiên phong hiến còn gắn với đồi quế 7 năm tuổi chuẩn bị cho thu hoạch. Nhưng rơi vào tình thế ấy, ông chỉ nghĩ được một điều rằng “thời cơ đến, không làm thì hết cơ hội”, mà cơ hội là vì cái chung.
"Cũng xót lắm, đồi quế đẹp thế mà bị phá, gỗ với củi bán được bao nhiêu thì bán còn đâu cho hết người ta. Vợ tôi cũng là đảng viên, ra nhìn thấy xót xong lại về. Thế thì họ mới nhìn vào nhà mình. Ngay ông Bí thư chi bộ lúc đầu ông ấy xót vì phải hiến đất nhiều, ông cũng chống đối, tôi phải nhẹ nhàng nói về sau ông mới nghe. Vợ con ông ấy cũng xót lắm", ông Đĩnh thừa nhận.
Từ sau khi có con đường đẹp, mới qua nửa năm, Chính Tiến như thay da đổi thịt, nhà nhà đua nhau xây dựng, chỉnh trang, có cả biệt thự vườn mọc lên. Những lối ngõ dẫn vào từng nhà, các hộ cũng chủ động bỏ tiền nâng cấp. Nhờ đó, hết năm 2022, Chính Tiến nhận về danh hiệu thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Chị Nguyễn Kim Dung, người dân trong thôn chia sẻ: "Có đường to, bà con rất phấn khởi, tăng gia sản xuất thuận lợi, như chúng tôi trồng rau, chăn nuôi, xe cộ đi vào rất tiện. Ngày xưa thì vất vả, xe to không vào được".
Còn bà Phạm Thị Ngần bày tỏ: "Nhà nước quan tâm, cán bộ cũng tích cực nữa, Trưởng thôn thì hết ý rồi, thế dân mới đỡ khổ. Trước ở khu này lầy lội như vũng trâu đằm. Giờ nông thôn đổi mới mà thế hệ chúng tôi già rồi, nhưng có được con đường đẹp coi như cho tương lai về sau".
Trên đà thắng lợi, tới đây Chính Tiến dự kiến tiếp tục mở rộng thêm gần 2 cây số đường nữa. Theo Trưởng thôn Đỗ Công Đĩnh, bí quyết thành công ngoài yếu tố “linh hoạt”, “lạt mềm buộc chặt”, “dễ làm trước, khó làm sau” thì quan trọng nhất là phải tập hợp được khối đại đoàn kết nhân dân.
Với Chính Tiến, ông Đĩnh cho rằng, sức mạnh đoàn kết dựa vào Tổ chăn nuôi của thôn với 160 hộ tham gia, chiếm tỷ lệ 100%. Đây là kênh kết nối giúp các hộ tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng tốt nhất, bao gồm cả quỹ Tổ, là điểm tựa hỗ trợ kĩ thuật chăn nuôi, là địa chỉ sinh hoạt, sẻ chia, giúp đỡ…
"Nếu không có một tổ chức ràng buộc để người ta kích thích nhau, chỉ là thôn đứng quản lý thôi thì vẫn ông chểnh bà choảng, không thiết thực. Đã không thiết thực rồi thì làm sao người ta nhiệt tình được. Quản lý làm sao người ta phải đưa vào một mối, phải có một tổ chức chặt chẽ mà mình nói lên người ta nghe được, nhưng quyền lợi người ta phải có. Một khi đã có quyền lợi rồi nói đến trách nhiệm là người ta chấp hành luôn", ông Đĩnh chia sẻ.
Hơn 20 năm giữ vai trò Trưởng thôn, ông Đĩnh luôn nhớ từng lời Bác Hồ dạy, người Đảng viên là phải tiên phong, gương mẫu, phải dám hy sinh cái riêng và không được tơ hào tới những gì của tập thể./.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/truong-thon-guong-mau-va-cau-chuyen-ly-ki-trong-hien-dat-mo-rong-duong-a30683.html