'BIẾT ĐÂU, SAU NÀY CÁC EM CÓ THỂ SỐNG VỚI ĐAM MÊ NÀY...'
Suốt 3 năm qua bất kể nắng mưa, cứ đều đặn mỗi tối từ thứ 2 đến thứ 5 hằng tuần, sau khi xong công việc ở Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục Hòa Nhập Đà Nẵng, anh Đặng Tấn Ba (SN 1980, quê Quảng Nam) lại chuẩn bị dụng cụ để dạy đàn ghi ta miễn phí cho các em khuyết tật tại trung tâm.
Lớp học có khoảng 10 em, tất cả học sinh đều bị khiếm thị, hạn chế khả năng giao tiếp. Điều này khiến việc dạy đàn trở nên khó gấp nhiều lần.
Thầy Ba phải cầm tay từng học trò, cảm nhận bằng thính giác để giúp các em đánh hợp âm. Gọi là lớp nhưng không bàn, chẳng ghế, các em ngồi tạm trên sân khấu của trung tâm.
Thầy Ba chia sẻ, bản thân sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo của huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam). Tuổi thơ của anh không êm đềm như bạn bè cùng trang lứa, bởi từ lúc lọt lòng, đôi mắt anh đã không nhìn thấy ánh sáng.
Với khiếm khuyết ấy, anh Ba có đôi lúc tự ti và mặc cảm về số phận. Đến năm 12 tuổi, anh được tuyển sinh vào Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục Hòa Nhập Đà Nẵng. Cũng từ đó, nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai của anh.
“Lúc rảnh rỗi tôi thường hay ngồi đàn cho vui, rồi tự hỏi thời gian rảnh thế này tại sao mình không hỗ trợ dạy đàn cho các em ở trung tâm? Sau đó, tôi xin trung tâm vào những buổi tối, khi xong việc hỗ trợ dạy đàn ghi ta giúp các em thư giãn, đỡ mặc cảm và vượt lên số phận.
Cũng là người khiếm thị, tôi hiểu được khó khăn, thiệt thòi các em đang gặp phải, nên tôi muốn giúp các em được học nhạc và hòa nhập với cộng đồng nhờ tiếng đàn”, thầy Ba nói.
Thầy Ba mong muốn lớp học sẽ giúp các em có số phận không may mắn giống mình sẽ vượt qua được mặc cảm.
Cứ như thế, thầy Ba mở lớp đàn nhiều năm nay, các lớp học của thầy hoàn toàn miễn phí.
“Khi dạy các em đòi hỏi phải rất kiên nhẫn. Với các em khiếm thị sẽ dễ hơn vì các em có thể tiếp thu nhanh hơn. Riêng với những em khuyết tật trí tuệ, mình phải bỏ nhiều thời gian, công sức.
Có lúc, chỉ cách bấm nốt, gẩy đàn cơ bản, mình cũng phải dạy đi dạy lại rất nhiều buổi. Có nhiều em học văn hóa khó nhưng lại thích âm nhạc. Vì vậy, tôi cũng muốn chỉ thêm cho các em một ngón nghề, biết đâu sau này, các em đam mê và có thể nuôi sống bản thân bằng nghề đàn”, thầy Ba bộc bạch.
ĐI QUA MẶC CẢM NHỜ ÂM NHẠC
Hơn 3 năm qua, người thầy giáo đặc biệt này đã truyền cảm hứng âm nhạc, gieo những mầm hạnh phúc, tiếp thêm tinh thần lạc quan, giúp nhiều trẻ khiếm thị vượt qua mặc cảm trong cuộc sống.
Âm nhạc tiếp thêm tinh thần lạc quan với các em ở trung tâm.
Gần 2 năm được thầy Ba dạy, em Lê Trần Ái Nhi (14 tuổi) giờ đây có thể đánh được một bản nhạc hoàn hảo. Nhi kể, bản thân mê đàn từ nhỏ nhưng không được ai chỉ dạy. Lúc đầu, do không nhìn thấy gì nên em chưa thể nhận biết được phím đàn, thầy Ba phải nắm tay chỉ từng chút.
“Ngoài những buổi học, thầy Ba còn chia sẻ nhiều câu chuyện trong cuộc sống. Không những vậy, thầy còn thường xuyên tặng phần thưởng, mua đồ ăn vặt khuyến khích các em sau những buổi học tốt.
Trước đây, em rất tự ti vì bị khiếm thị, nhưng nhờ thầy Ba tiếp thêm động lực, giờ đây em vững tin hơn. Học đàn không chỉ giúp em cảm thấy yêu đời, hạnh phúc hơn, còn rèn luyện được sự kiên nhẫn. Em sẽ cố gắng học tốt để có cái nghề, có thể tự kiếm sống và đỡ đần cho cha mẹ", em thổ lộ.
Khoảng 10 em tham gia lớp học.
Bà Đỗ Thị Đỗ Quyên - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng chia sẻ, những lớp học đàn đều do thầy Ba tự nguyện khởi xướng và duy trì, dành thời gian ngoài giờ làm việc để giúp đỡ các trò khuyết tật.
Thầy gắn bó với trường đã gần 30 năm, dù không đứng lớp nhưng các trò đều yêu quý và gọi là “thầy Ba”...
Hồ Giáp
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/o-lop-hoc-khong-ban-khong-ghe-va-hoc-phi-0-dong-a30669.html