Đối mặt với những khó khăn
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý 1 là 56.946, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022; gấp 1,3 lần mức bình quân DN gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2022 với con số 45.494.
Lãi suất ngân hàng, chi phí logistics tăng, số lượng đơn đặt hàng giảm… là những khó khăn mà cộng đồng DN đang phải đối mặt. Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TPHCM, ông Nguyễn Phước Hưng, từ giữa năm 2022 đến nay nhiều DN gần như không đầu tư và có xu hướng bán lại. Dự báo các tháng sắp tới DN dệt may vẫn rất khó khăn.
Ông Hưng cũng cho biết, DN gần như không tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Hồng Việt - Chủ tịch Hội Da giày Hà Nội, nhu cầu thị trường trong nước và thế giới đều suy giảm, DN gặp khó. Thị trường xuất khẩu đã có dấu hiệu đi xuống từ tháng 7/2022 và đến hết quý 1/2023 thì mức cắt giảm đơn hàng diễn ra rất nghiêm trọng; phổ biến từ 50-70%, cá biệt có DN trong nước gần như không có đơn hàng xuất khẩu.
Để chống đỡ, ông Việt cho biết, từ cuối năm ngoái, các DN đã bắt đầu cắt giảm thời gian làm việc, tuần chỉ còn làm việc 4-5 ngày và giảm quy mô sản xuất (cắt giảm dây chuyền sản xuất). Tiếp đó, trong dịp Tết, có DN cho công nhân nghỉ việc cả tháng, đành phải cắt giảm tiền lương, thưởng Tết…
Còn bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam thông tin, nhiều DN nói khả năng đến tháng 6 hết sạch đơn hàng, một số DN đã giảm đơn hàng từ cuối năm ngoái. Đến nay, nhiều DN cho biết đã cắt giảm lao động, cho người lao động nghỉ việc luân phiên.
Trao đổi về những khó khăn mà cộng đồng DN đang phải đối mặt, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh; đặc biệt càng gặp nhiều khó khăn hơn khi phải chịu những ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực từ lạm phát cũng như thảm họa thiên nhiên. Tới thời điểm này chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế…
Bà Hương cũng cho rằng, cộng đồng DN trong nước đang đối mặt với khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Điều này thể hiện khi số vốn đăng ký bình quân trên một DN trong quý I/2023 chỉ đạt 9,2 tỷ đồng, mức thấp nhất trong quý I kể từ năm 2016.
Từng bước tháo gỡ
Theo Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên trong giai đoạn quý I, số DN rút lui khỏi thị trường là 60.241, cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường với 56.946 DN. Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng cộng đồng DN rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước để giúp DN hoàn tất các thủ tục hành chính về xây dựng nhà xưởng cũng như cần có những chính sách hỗ trợ DN trong việc tuyển dụng và đào tạo nghề cho lao động theo đúng yêu cầu trong hoạt động sản xuất. Kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và DN nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của DN trong quá trình phục hồi…
Theo phản ánh của nhiều DN hiện nay, khó khăn nhất là thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu đều giảm sút. Bên cạnh đó, DN tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn, lãi suất ngân hàng vay để phục vụ sản xuất còn cao và thủ tục vay phức tạp.
Chia sẻ về những khó khăn DN đang gặp phải, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, cơ quan quản lý nhà nước đã và đang tiếp tục đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, để đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước, thời gian tới sẽ tăng cường rà soát các tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, bám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới và tạo chủ động nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tổ chức kết nối các DN trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN lớn toàn cầu. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa; phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, tháo gỡ khó khăn về vốn (trong đó có việc rà soát để tiếp tục đề xuất miễn giảm một số khoản thuế, phí) và giải pháp về tiền tệ (tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng), tạo điều kiện hỗ trợ DN, đặc biệt DN khu vực chế biến, chế tạo có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển.
Theo Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, quý I/2023 có 60.241 DN rút khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn các DN lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn, chiếm 71,1%. Tổng cục Thống kê kiến nghị, Chính phủ và các cơ quan chức năng nên duy trì chính sách hỗ trợ năm 2023, nhất là chính sách gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% như một cách thêm động lực giúp DN tiếp tục đà phục hồi.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/doanh-nghiep-gap-kho-khan-binh-tinh-nhan-dien-de-vuot-qua-a30505.html