Đó là cô Lê Thị Lan Anh, sinh năm 1976, ở phường Phú La, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Ngay từ khi lọt lòng mẹ, Lan Anh đã mang thân hình không lành lặn do ảnh hưởng chất độc da cam từ cha. Nhưng bằng nghị lực, Lan Anh đã trở thành một cô giáo tiếng Anh giỏi, được học trò yêu mến, kính trọng.
"Bỗng dung" thành cô giáo
Đến thăm lớp học của cô giáo Lan Anh sẽ thấy một không gian sư phạm chuyên nghiệp từ bàn ghế, dụng cụ học tập đến tác phong sư phạm, mặc dù cô giáo đứng lớp chưa từng trải qua trường lớp sư phạm nào cả.
Lan Anh cho biết trước kia chị mở lớp dạy ở thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ), học sinh từ lớp 3 đến lớp 9, lớp học lúc nào cũng khoảng 50 - 60 em. Các em khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn đều được miễn, giảm học phí, đến nay chị đã có hàng trăm học sinh, một số bạn vẫn nhớ đến cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Cô giáo Lan Anh được nhiều thế hệ học trò rất yêu quý và là tấm gương truyền cảm hứng học tập cho các em
Kể về tuổi thơ dông bão, Lan Anh nói chị vốn bị ảnh hưởng chất độc màu da cam từ bố nên thân hình mang nhiều dị tật, sức khỏe yếu ớt. Hồi nhỏ, Lan Anh ở quê với bà nội tại huyện Ứng Hòa, còn bố công tác trong quân ngũ tại Xuân Mai, mẹ là công nhân tại Xí nghiệp Uơm tơ Mỹ Đức, sau này nghỉ mất sức thì lên Xuân Mai cùng bố chị.
Lên 6 tuổi, Lan Anh bám vạt áo bà đến trường. Chẳng mấy ai ngờ được, cô bé bé như cái kẹo luôn có thành tích học tập vào tốp đầu của lớp. Đặc biệt, Lan Anh viết chữ rất đẹp cho dù bàn tay co quắp cầm bút còn không vững, lớp 4, chị còn được chọn đi thi viết chữ đẹp. Đến năm lớp 8, Lan Anh phải nghỉ học ở nhà do sức khỏe quá yếu.
Quanh quẩn với bốn bức tường, Lan Anh chỉ biết nghe radio hoặc xem tivi cho đỡ chán. Tình cờ, chị biết chương trình dạy tiếng Anh trên truyền hình và được nghe cả người bản địa phát âm, nên rất thích thú và theo dõi không bỏ số nào. Đến giờ phát sóng là chị lại mang sách bút ra học như trên lớp. Thấy con khao khát được học, bố mẹ Lan Anh đã gửi chị ra Hà Nội và nhờ bác gái mời gia sư là sinh viên đến nhà kèm thêm một thời gian, rồi sau đó lại tiếp tục tự học qua sách vở, từ điển. Dần dần, chị đã đạt được một trình độ tiếng Anh nhất định.
Để trở thành cô giáo như những giáo viên dạy chính thức ở trường học, Lan Anh xúc động và hết lời cảm ơn chị Nguyễn Thị Đào, người đầu tiên ngỏ lời gửi con cho cô dạy học, động viên mở rộng lớp học và duy trì cho đến hôm nay.
Lan Anh nhớ lại: "Hồi đó, tôi mới chuyển từ nhà bác về Xuân Mai để trông cửa hàng tạp hóa cho bố mẹ, ai cũng nghĩ với sức khỏe như vậy thì đây là công việc rất phù hợp với tôi. Thấy tôi ngày nào cũng vừa trông hàng vừa cặm cụi bên những trang sách tiếng Anh, nhiều người bảo rằng "học có vận dụng được gì đâu mà học", tôi rất chạnh lòng".
Nhưng riêng chị Đào, người hàng xóm thân thiết lại không nghĩ thế. Chị Đào đã ngỏ lời nhờ Lan Anh kèm cặp con gái nhỏ của mình. Cô giáo Lan Anh kể: "Ban đầu tôi chỉ dạy cho cháu biết gọi tên con vật hoặc đồ vật bằng tiếng Anh, sau đó là những mẫu câu nói từ đơn giản đến khó hơn. Cô bé vốn thông minh lại ham học nên rất nhanh chóng biết đọc và nói nhiều".
Cô bé ngày đó tên là Bùi Mai Phương, khi ấy mới 5 tuổi và hiện cũng đã 30 tuổi, tốt nghiệp 2 bằng đại học (sư phạm toán và sư phạm tiếng Anh), đang là giáo viên Trường THCS Thị trấn Xuân Mai. Phương chính là học trò đầu tiên của chị Lan Anh. Từ đó, Lan Anh chính thức có danh xưng "cô giáo", mở ra một chương mới trong cuộc đời của chị.
Hành trình hơn 20 năm "gõ đầu trẻ"
Nhận được sự tin tưởng từ phụ huynh, Lan Anh vô cùng hạnh phúc và bắt tay ngay vào công việc gõ đầu trẻ, sắm sửa bàn ghế, bảng phấn... Tiếng lành đồn xa, lớp học cứ thế tăng lên hơn chục em. Ban đầu chị chỉ nhận dạy miễn phí, được gần một năm thì số học sinh tăng lên nhiều, buộc chị phải chia ca dạy.
Thấy cô giáo sức khỏe yếu mà nhiệt tình, các phụ huynh nhất quyết trả học phí cho cô. Lớp này nối tiếp lớp kia, đủ các độ tuổi tìm đến "cô giáo tí hon" rất đông, có cả một số học sinh khuyết tật. Đáp lại sự tin tưởng của phụ huynh, học sinh, cô giáo Lan Anh không những hết lòng truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn mua nhiều sách ngữ pháp, từ điển về tự học thêm, nâng cao chuyên môn.
Cô cũng soạn giáo án, bài giảng như một giáo viên thực thụ, giao bài tập về nhà cho học sinh. Cô còn thường xuyên cải tiến phương pháp dạy học như sân khấu hóa, tạo trò chơi, tặng quà lưu niệm... để lôi cuốn học sinh vào bài giảng.
Với những học sinh khuyết tật, cô ân cần tâm sự với các em như người thân, đồng cảm với sự khiếm khuyết của các em, truyền nghị lực sống, giúp các em tự tin hòa nhập cùng các bạn. Học sinh cũng nhìn vào tấm gương nghị lực của cô giáo mà cố gắng hơn.
Bền bỉ hơn 20 năm làm cô giáo không trường lớp, đến nay Lan Anh đã dạy hàng trăm học sinh và có không ít học sinh nhờ những kiến thức của cô mà có được trình độ tiếng Anh cao, thành công trong công việc phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch, giáo viên tiếng Anh... 20 năm đó chẳng có lúc nào đứt quãng, ngay như trong thời gian dịch COVID-19, lớp học của cô giáo Lan Anh vẫn duy trì bằng hình thức trực tuyến.
Chị Đỗ Thị Phương, người theo học tiếng Anh của cô giáo Lan Anh trong 7 năm, tốt nghiệp cử nhân kinh tế, đang là cán bộ Văn phòng Đảng ủy thị trấn Xuân Mai chia sẻ: "Mặc dù mang trong mình di chứng chất độc màu da cam nhưng trong cô luôn tràn đầy nghị lực sống và tình yêu với môn tiếng Anh. Chính cô đã truyền cảm hứng cho tôi yêu thích môn tiếng Anh. Với kiến thức của cô truyền dạy đã giúp ích rất nhiều cho tôi trong cuộc sống cũng như công việc hiện tại. Bài học quý giá nhất mà tôi học được ở cô chính là ý chí và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống".
Nhiều danh hiệu về sống đẹp
Với nỗ lực và đóng góp của mình, cô giáo Lan Anh được nhận danh hiệu Người tốt việc tốt của UBND huyện Chương Mỹ năm 2019; danh hiệu Người tốt việc tốt của UBND TP Hà Nội năm 2019; giải thưởng KOVA hạng mục Sống đẹp lần thứ 17 năm 2019: bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội năm 2020; danh hiệu "Phụ nữ Chương Mỹ tiêu biểu" năm 2021.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/phuc-lam-co-giao-ti-hon-a30469.html