Tiếp tục Phiên họp thứ 23, sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Người dân là đối tượng hưởng lợi trực tiếp khi giảm thuế
Tóm tắt Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu mục tiêu xây dựng Nghị quyết nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước (NSNN) cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, quan điểm xây dựng Nghị quyết bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế, năm 2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT năm 2022.
Việc giảm thuế GTGT tổng cộng khoảng 44 nghìn tỷ đồng đã góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế khi xác định hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế.
Do vậy, năm 2023 Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%. Thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết, việc giảm thuế GTGT dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 5,8 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 06 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
Đánh giá về tác động đến tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.
Người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống Nhân dân.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ban hành Nghị quyết để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và người dân
Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Nguyễn Vân Chi cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về giảm thuế GTGT để hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau dịch Covid-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ Quý IV/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023.
Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về giảm thuế GTGT là đúng thẩm quyền theo quy định.
Thường trực Ủy ban TCNS và Thường trực Ủy ban Pháp luật về cơ bản nhất trí bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Đồng thời, để việc giảm thuế GTGT có thể kịp thời đi vào thực hiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, Thường trực Uỷ ban TCNS và Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành về việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tuy nhiên, để bảo đảm đầy đủ về cơ sở pháp lý của việc thực hiện quy trình rút gọn, đề nghị Chính phủ bổ sung nội dung giải trình rõ lý do đề nghị xây dựng Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn trong hồ sơ dự án Nghị quyết trình Quốc hội.
Thường trực Ủy ban TCNS nhận thấy, thời hạn Chính phủ gửi hồ sơ dự án Nghị quyết và đề nghị bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, chưa tuân thủ quy định tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội, ảnh hưởng đến chất lượng hồ sơ và gây bị động cho các cơ quan trong quá trình thẩm tra.
Ngoài ra, Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Chính phủ còn tương đối sơ sài, hoàn toàn thiếu các đánh giá tác động về kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh như mục tiêu đặt ra. Vì vậy, đề nghị Chính phủ hoàn hoàn thiện hơn nữa Báo cáo đánh giá tác động.
Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS), đồng ý chủ trương giảm thuế VAT 2% để phục hồi phát triển kinh tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên để có căn cứ thuyết phục cao hơn đối với đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, nội dung mà Uỷ ban TCNS nêu trong Tờ trình của Chính phủ đề nghị cần được làm rõ hơn cho chặt chẽ./.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/giam-thue-gia-tri-gia-tang-on-dinh-phuc-hoi-kinh-te-nam-2023-a30419.html