Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong 10 năm qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người, là một trong những nguyên nhân hàng đầu về tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi trên thế giới. Tại Việt Nam, hằng năm đều có nhiều trẻ em tử vong do đuối nước, thậm chí nhiều trẻ biết bơi vẫn tử vong do bơi tại khu vực nước sâu nguy hiểm, hoặc do cứu bạn. Các vụ trẻ em đuối nước xảy ra tập trung vào những tháng hè.
Cuối tháng 2/2023, tại thôn Nam Định, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông xảy ra vụ đuối nước khiến 4 trẻ (từ 4 đến 6 tuổi) tử vong. Đây cũng là vụ tai nạn đuối nước cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ nhất tính từ năm 2018 trở lại đây và để lại nỗi đau không thể bù đắp cho gia đình và toàn xã hội.
Chiều 29/4, ba cháu nhỏ (là anh chị em ruột và họ hàng), đều trú ở thôn Tây Phước, xã Bình Khương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được bà đưa tới khu vực hồ chứa nước Phước Hòa thuộc thôn Tây Phước để chơi. Khi phát hiện các cháu bị đuối nước, bà của các cháu tri hô người đến cứu vớt, nhưng khi đưa được lên bờ thì cả ba cháu đều đã tử vong.
Gần đây nhất, ngày 1/5, một học sinh trường THPT trên địa bàn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cùng gia đình đến Khu du lịch sinh thái Hải Thượng ở thôn Hải Thượng để tắm, không may bị chìm. Mặc dù đã được hô hấp, sơ cứu ngay sau đó, nhưng em đã tử vong.
Trước kỳ nghỉ hè hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai bộ tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn phòng tránh đuối nước cho học sinh. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình, đoàn thể và chính quyền địa phương để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè, bảo đảm an toàn, phòng chống đuối nước.
Sở giáo dục và đào tạo của các tỉnh, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho trẻ em, học sinh để các em biết và tuân thủ các nguyên tắc khi đi chơi ở những khu vực như sông, hồ, ao, vũng nước sâu...
Và để công tác phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em đạt hiệu quả, ngành giáo dục các địa phương tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành chương trình, kế hoạch, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm các điều kiện dạy, học bơi trong các cơ sở giáo dục và có chính sách hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn cũng như các dịch vụ liên quan cho học sinh...; đặc biệt chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, trang bị cho các em kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước trong đời sống hằng ngày.
Đặc biệt việc sơ cấp cứu đúng cách, đúng kỹ thuật cho trẻ em bị đuối nước là việc vô cùng quan trọng, mang lại nhiều cơ hội sống sót hơn đối với trẻ. Do vậy, mỗi người cần trang bị kiến thức, học sơ cấp cứu trẻ đuối nước đúng cách để cứu sống trẻ, tránh được di chứng não nặng nề sau này.
T.H.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/phong-chong-duoi-nuoc-cho-tre-em-dip-he-a30351.html